TN - Đất & Người

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội giám sát biên giới lãnh thổ Việt Nam và Campuchia đoạn qua tỉnh Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 13/11, Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do đồng chí Đôn Tuấn Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm Trưởng đoàn tổ chức giám sát tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia đoạn qua tỉnh Kon Tum.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ tỉnh tại biên giới Việt Nam- Campuchia tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai. Ảnh: TVP

Làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan của tỉnh.

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia dài trên 138 km. Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới của tỉnh đã đạt nhiều kết quả. Nổi bật nhất là công tác quản lý, bảo vệ biên giới chặt chẽ; xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới đảm bảo đúng quy định; chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; hệ thống đường biên, mốc quốc giới nguyên trạng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới ổn định.

Đoàn công tác trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước Việt Nam- Campuchia. Ảnh: TVP

Công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam- Campuchia đoạn qua tỉnh Kon Tum và tỉnh Rattanakiri được triển khai cuối năm 2006 đến năm 2018 và tỉnh Kon Tum đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc. Việc thực hiện tốt các điều ước quốc tế tại tỉnh Kon Tum góp phần phát huy tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, tạo điều kiện hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai bên.

Trong đợt giám sát này, Đoàn công tác đi thực tế kiểm tra, giám sát công tác phân giới cắm mốc đoạn từ mốc 22/1-23/2 trên địa phận xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, thuộc Đồn Biên phòng Sa Thầy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc phát biểu tại buổi giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: TVP

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa hai nước Việt Nam-Campuchia đoạn qua 2 tỉnh Kon Tum-Rattanakiri, lãnh đạo tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm sớm cho chủ trương mở cửa khẩu biên giới tuyến Việt Nam - Campuchia, cụ thể là cặp cửa khẩu phụ Đăk Kôi (tỉnh Kon Tum) - Kontuyneak (tỉnh Rattanakiri) thuộc huyện Ngọc Hồi và cặp cửa khẩu phụ Hồ Le (tỉnh Kon Tum) - Đồn Cảnh sát Biên phòng 505 (tỉnh Rattanakiri) thuộc huyện Ia H’Drai. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho thương nhân, cư dân hai bên biên giới trao đổi, mua bán hàng hóa, qua lại thăm thân…. góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Các cơ quan Trung ương sớm phối hợp với Campuchia đẩy nhanh và hoàn thành việc phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia đoạn biên giới từ mốc 22/1 đến mốc 23 và cắm 1 vị trí mốc phụ 22/2 hoàn thành dứt điểm công tác phân giới cắm mốc đoạn qua tỉnh. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại các tỉnh của Lào và Campuchia.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong đánh giá cao công tác quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy nói riêng và chính quyền tỉnh Kon Tum nói chung. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, chính quyền địa phương phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa với các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia đoạn qua địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm