Bạn đọc

Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa chỉ đạo xác minh, xử lý vấn đề Báo nêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Ngày 30-8-2011 GLO đăng loạt bài “Nạn quan tham ở xã nghèo” phản ánh về việc ông Phạm Duy Chinh- nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Đông thiếu tinh thần trách nhiệm trong cấp tiền hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 và việc sử dụng súng hăm dọa dân, ăn chặn tiền đăng ký thi bằng lái xe mô tô tại xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Sau khi báo đăng, UBND huyện Đak Đoa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh và có Công văn số 30/UBND-NC trả lời về vụ việc trên. GLO trích đăng nội dung Công văn. Cũng xin nói thêm, tuy một số chi tiết tác giả bài báo nêu là chưa có cơ sở nhưng đã phản ánh đúng một số hiện tượng không lành mạnh cần chấn chỉnh tại một trong những xã nghèo nhất tỉnh như Hà Đông.

I- Nội dung các vụ việc:

1. Về việc ông Phạm Duy Chinh thu mua gỗ trắc:

Đầu năm 2009, ông Phạm Duy Chinh có nhờ ông Trường-cư trú tại làng Kon Jốt, xã Hà Đông mua giùm 6 cây cột nhà cũ bằng gỗ trắc, đường kính khoảng 25 cm, dài khoảng 3 mét để làm cầu thang. Ông Phạm Duy Chinh trả cho ông trường 7.500.000 đồng, trong đó 7.000.000 đồng là tiền mua gỗ trắc và 500.000 đồng là ông Chinh cho ông Trường để uống nước. Sau khi mua, ông Chinh đã nhờ xe ông Trương Trọng Tân-cư trú tại làng Kon Maha, xã Hà Đông chở về nhà tại thị trấn Đak Đoa. Việc thông tin trên GLO có nêu ông Phạm Duy Chinh còn mua thêm 8 m3 gỗ trắc là một số loại gỗ khác nữa là không có.

Xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.
Xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.

2. Việc cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo tại xã Hà Đông ăn Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009:

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được và lời khai những người có liên quan cho thấy:

- Cán bộ xã Hà Đông đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai nội dung Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu địa bàn xã. Việc phân công cán bộ kiểm tra việc cấp phát tiền không được thực hiện bằng văn bản dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm và không ai đứng ra để nhận trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát.

- Việc cấp tiền không đúng quy định, còn thông qua khâu trung gian dẫn đến việc cấp thiếu tiền cho dân. Có 7 hộ dân làng Kon Sơng Lok, xã Hà Đông nhận thiếu tiền phải cấp bổ sung là vì bà Phạm Thị Huyền không trực tiếp cấp mà nhờ ông Oei-Trưởng thôn nhận tiền về cấp cho các hộ nói trên nên dẫn đến việc cấp thiếu tiền. Trong quá trình cấp bà Phạm Thị Huyền có để xảy ra việc cấp thiếu tiền cho bà Krói và sau đó phải cấp bổ sung.

- Việc cấp thiếu tiền cho ông Phyôi-cư trú tại làng Kon Jôt là vì bà Huyền không trực tiếp cấp tiền mà ông Khưun- Trưởng thôn làng Kon Jôk nhận về cấp nhưng không cấp đủ cho ông Phyôi mà đem số tiền đó cấp đều cho một số hộ dân trong làng mỗi hộ 200.000 đồng. Còn việc cấp thiếu tiền ông Đăp- cư trú tại làng Kon Sơng Lok qua xác minh cho thấy bà Huyền không trực tiếp cấp tiền mà do ông Oei nhận tiền về cấp, việc cấp tiền thiếu đã được cấp bổ sung.

- Việc GLO phản ánh việc bà Huyền gọi các trưởng thôn lên ép viết giấy là không có cơ sở. Vì qua làm việc các thôn và bà Huyền thì bà Huyền chỉ mời lên hỏi xem ai lập danh sách các hộ thiếu tiền báo cáo đoàn ứng cử viên đại biểu Quốc hội chứ không có ép ghi giấy mà chỉ nói là viết ra giấy để lấy cơ sở báo cáo Chủ tịch UBND xã.

- Việc bà Huyền cho ông Khưun, ông Thuch, ông Jieei, ông Tí tiền để uống nước là đúng.

- Việc Báo Gia Lai phản ánh việc ông Phạm Duy Chinh- nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Đông bao che để cán bộ cấp dưới cấp thiếu tiền hỗ trợ của Chính phủ cho hộ nghèo ăn Tết Nguyên đán năm 2009 là chưa đủ cơ sở để kết luận. Trong quá trình làm việc với những người liên quan đến việc cấp tiền và những người có trách nhiệm tại UBND xã thì không có ai cung cấp được tài liệu liên quan đến việc bà Huyền cấp thiếu tiền cho dân và không có ai thấy bà Huyền cấp thiếu tiền cho dân. Hồ sơ cấp tiền và thanh-quyết toán tiền hỗ trợ của Chính phủ cho hộ nghèo ăn Tết 2009 đều có chữ ký xác nhận của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và các đoàn thể của xã, cùng các trưởng thôn, các hộ dân là đã nhận đủ tiền. Đối với các hộ dân nói là nhận thiếu tiền khi cơ quan Công an hỏi tại sao khi nhận tiền ký tên vào danh sách không kiểm tra số tiền đã được đánh máy trong danh sách cấp tiền thì các hộ dân đều trả lời là Nhà nước cho tiền ăn Tết bao nhiêu nhận bấy nhiêu nên nhận tiền xong ký tên và đi về mà không kiểm tra.

3. Về việc ông Phạm Duy Chinh- nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Đông dùng súng hù dọa dân:

Căn cứ vào các tài liệu xác minh cho thấy việc GLO phản ánh chỉ đúng một phần đó là việc ông Phạm Duy Chinh-nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Đông có sử dụng công cụ hỗ trợ (súng bắn đạn cao su), còn việc hù dọa là chưa chính xác vì khi đó ông Chinh đang trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc gây rối tại Trường THCS xã Hà Đông. Nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng súng là do các đối tượng Bik, Tơi Hlich, Nong rút dây xích cất ở trong người ra định đánh ông Chinh vì vậy ông Chinh có rút khẩu súng bắn đạn cao su ra đưa lên trời. Đối tượng Bik đã khai nhận và nhận thức được việc gây rối trật tự và có những lời nói hăm dọa cán bộ là sai trái, vi phạm quy định của pháp luật.

Khẩu súng cao su trên được trang bị cho lực lượng Công an xã nhưng vì do đặc thù địa bàn xã Hà Đông và lực lượng Công an xã yếu về nghiệp vụ, trình độ, thường xuyên không có mặt tại xã vì vậy ông Chinh đã quản lý khẩu súng để xử lý khi có vụ việc xảy ra và bảo vệ tài sản UBND xã.

- Riêng vụ việc ông Xít-sinh năm 1987, cư trú tại làng Kon Maha nói rằng ông Phạm Duy Chinh dùng súng đòi bắn ông Xít là không có cơ sở. Sau khi được ông Chinh nhắc nhở về hành vi vận chuyển gỗ trắc trái phép ông Xít thấy ông Chinh cầm 1 khẩu súng AR15 không có tiếp đạn do dân quân xã đi huấn luyện thì cho rằng ông Chinh cầm súng để bắn ông Xít. Việc ông Xít khai báo là ông Chinh cầm súng chĩa vào người ông Xít đòi bắn cũng không có ai chứng kiến. Ông Xít cũng đã nhận thức được việc sử dụng xe máy chở gỗ trắc không có giấy tờ đi bán là sai, khi được người có chức năng nhắc nhở còn có thái độ lời nói hăm dọa cán bộ là vi phạm pháp luật.

4. Về việc ông Phạm Duy Chinh ăn chặn tiền thi giấy phép lái xe của dân:

Qua điều tra xác minh thì không có tài liệu chứng minh việc ông Phạm Duy Chinh ăn chặn tiền thi bằng lái xe mô tô của dân. Việc đăng ký tham gia thi là do các bên tự nguyện, số tiền học phí thu được đã nộp cho Trường Trung cấp Nghề Gia Lai. Số thí sinh tham gia thi đều được cấp bằng lái, số thí sinh không đủ điều kiện dự thi thì được trả lại tiền, chỉ còn duy nhất có 3 thí sinh chưa trả tiền lý do Trường Trung cấp Nghề chưa đưa hồ sơ xuống để làm căn cứ ông Chinh trả tiền.

II- Kết quả chỉ đạo, xử lý của UBND huyện:

- Sau khi GLO phản ánh vụ việc, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh và chỉ đạo UBND xã Hà Đông: Kiểm điểm việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương còn chưa nghiêm túc, thiếu tinh thần trách nhiệm trong  việc triển khai thực hiện Quyết định số  81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu dẫn đến khiếu kiện và gây dư luận xấu ở địa phương. Tăng cường công tác quản lý vũ khí và phương tiện hỗ trợ của lực lượng được trang bị; việc sử dụng công cụ phải đúng đối tượng, đúng mục đích. Chỉ đạo các ban ngành phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện, UBND xã Hà Đông tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhằm ổn định tình hình, nâng cao uy tín của tổ chức đảng, chính quyền ở xã Hà Đông.


Chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện xây dựng kế hoạch củng cố và nâng cao năng lực đối với cán bộ kế toán-tài chính xã Hà Đông, chấn chỉnh công tác quản lý điều hành ngân sách xã, có biện pháp khắc phục những tồn tại trong quản lý thu-chi và kế toán, quyết toán ngân sách xã.

Đề nghị Thường trực Huyện ủy kiểm điểm trách nhiệm đối với đồng chí Phạm Duy Chinh- Bí thư Đảng ủy xã (nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Đông) đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dẫn đến khiếu kiện.

Kiểm điểm bà Phạm Thị Huyền- nguyên Kế toán-Tài chính xã Hà Đông (hiện đang là Kế toán-Tài chính thị trấn Đak Đoa) đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện việc cấp tiền hỗ trợ theo Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu-2009.

 

Thành lập tổ công tác liên ngành giúp xã Hà Đông thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về mặt công tác.
 

Có thể bạn quan tâm