Bạn đọc

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời cử tri huyện Mang Yang và Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong kỳ tiếp xúc trước kỳ họp thứ 4 và các kỳ họp trước của HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, cử tri huyện Mang Yang và Chư Prông có kiến nghị về hỗ trợ kinh phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và khắc phục tình trạng ngập úng nhà dân hai bên tỉnh lộ 665. Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung UBND tỉnh trả lời nội dung trên.
III- Cử tri huyện Mang Yang
Kiến nghị:
Hiện nay theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ đơn giá sản phẩm: Đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh (trong đó kinh phí để thực hiện đo đạc, xuất trích lục khá cao: như đo đạc từ 1.000 m2 đến 3.000 m2, nếu trong khu vực đô thị là 2,163 triệu đồng, ngoài khu vực đô thị là 1,44 triệu đồng), chưa quy định nội dung miễn, giảm mức phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mặt khác mức thu nhập của đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn thấp, khó có khả năng chi trả kinh phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (Cử tri huyện Kbang, Chư Pưh cũng kiến nghị nội dung này).
Cử tri đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ hoặc chế độ miễn, giảm mức thu phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn giảm kinh phí đo đạc, xuất trích lục đối với hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho các hộ này được đo đạc, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kết quả giải quyết:
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-UBND ngày 28-4-2022 “Ban hành danh mục quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên”. Trong đó, đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường quy định giá dịch vụ đo đạc; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (không bao gồm phí và lệ phí) do Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát để bổ sung xây dựng dự thảo để lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
tỉnh lộ 665
Công nhân thuộc đơn vị thi công gói thầu số 1 Dự án cải tạo tỉnh lộ 665 đang vá sửa một số điểm hư hỏng trên tuyến. Ảnh: Lê Hòa
IV- Cử tri huyện Chư Prông
Kiến nghị:
Tuyến đường tỉnh lộ 665 hiện đang triển khai thi công, có chiều dài tuyến khoảng 65,64 km, do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư. Hiện nay, một số nơi mương thoát nước cao hơn so với lề đường, khi trời mưa nước đọng lại không thoát nước được gây cản trở giao thông; tại một số đoạn đường, nhà dân thấp không có mương thoát nước khi gặp mưa to dẫn đến tình trạng dồn nước ngập đến cửa nhà dân (xã Ia Ga, Ia Piơr). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị thi công tuyến đường khắc phục; xem xét làm thêm một số đoạn mương thoát nước tránh tình trạng ngập úng trước nhà dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường này.
Kết quả giải quyết:
Ngày 12-10-2021, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án và UBND huyện Chư Prông đã kiểm tra hiện trường đường tỉnh 665 để xử lý các kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông; sau đó, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo đơn vị khảo sát thiết kế chủ trì phối hợp với đơn vị giám sát và các đơn vị thi công đi kiểm tra hiện trường, khảo sát, lên phương án thiết kế và dự toán cho các hạng mục công việc cần thiết kế bổ sung để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình.
Do dự án đã được phê duyệt thiết kế và dự toán; nên để xử lý và giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông về xây dựng một số đoạn mương thoát nước tại một số đoạn đường, nhà dân thấp không có mương thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng trước nhà dân khi trời mưa phải sử dụng vốn dư của dự án (vốn dư do tiết kiệm sau đấu thầu và vốn dự phòng chưa phân bổ). Theo quy định của nhà tài trợ ADB và khoản 3 Điều 47 của Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài “Trường hợp thực sự cần thiết sử dụng vốn dư để phát huy hiệu quả và không dẫn đến thay đổi mục tiêu chính tại quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án đang thực hiện: Cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và nhà tài trợ nước ngoài xác định hiệu quả, sự cần thiết để quyết định việc sử dụng vốn dư và thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh chương trình, dự án đang thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 22 của Nghị định này hoặc trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương thực hiện và quyết định phê duyệt văn kiện dự án đang thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định này”, thì phải lấy ý kiến của nhà tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Ngày 16-5-2022, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Tờ trình số 134-TTr/BCS trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương bổ sung vốn đối ứng ngân sách tỉnh và sử dụng vốn dư ADB của dự án Hỗ trợ Phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB-tiểu dự án tỉnh Gia Lai để giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông.
GLO

Có thể bạn quan tâm