(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 2006/UBND-NC về việc trả lời và chỉ đạo giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XII; trong đó có nội dung trả lời cử tri huyện Phú Thiện.
Kiến nghị: Đề nghị tỉnh xem xét có chủ trương định canh, định cư của người dân tộc thiểu số tại chỗ, thực hiện việc giãn dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Thiện do dân số tăng, đất ở chật, không có đất sản xuất... vệ sinh môi trường không đảm bảo.
Trả lời: Về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Theo đề nghị của UBND huyện Phú Thiện có 113 hộ với 2 dự án chưa được quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư (người dân còn du canh du cư, di cư tự do, cuộc sống chưa ổn định, phân bố không theo quy hoạch). Số đối tượng này được thực hiện theo Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Phú Thiện nghiên cứu nội dung dự án 2 để đưa các hộ trên vào đối tượng bố trí cho phù hợp.
Nhà ở của người dân thuộc 4 làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được giúp đỡ di dời, sắp xếp đến nơi ở mới ổn định hơn. Ảnh: Trần Dung |
Kiến nghị: Tuyến tỉnh lộ 662B đoạn đường thuộc thôn Hải Yên (xã Kim Môn, xã Chư A Thai-đoạn đường từ Trường Tiểu học Kim Đồng đến thôn Kim Môn) đã được xây dựng cống thoát nước nhưng không có nắp cống. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đề nghị cơ quan chức năng cần bổ sung phần nắp cống thoát nước tại khu vực trên.
Trả lời: Tuyến đường tỉnh 662B được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 24-9-2019 với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2019-2021. Theo hồ sơ thiết kế được duyệt đoạn đường từ Trường Tiểu học Kim Đồng đến thôn Kim Môn có chiều dài 1.069 m có khoảng 40 hộ dân sinh sống dọc tuyến, xây dựng mương thoát nước hình chữ nhật, bố trí 160 tấm đan tại lối vào nhà các hội dân (bình quân mỗi hộ 4 tấm); còn lại các đoạn không đi qua nhà dân xây dựng mương hở, bố trí cọc tiêu để đảm bảo an toàn giao thông (bình quân 5m/cọc); dự án đã triển khai thi công cơ bản hoàn thành vào ngày 30-11-2021; với nội dung kiến nghị trên, UBND tỉnh giao Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh kiểm tra, rà soát đoạn tuyến trên, để có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường.
Kiến nghị: Tỉnh có cơ chế bầu thêm 1 thôn phó ở những thôn có đông dân cư sau khi sáp nhập thôn, vì hiện nay theo Nghị quyết 136/2021/HĐND ngày 25-2-2021 của HĐND tỉnh chỉ quy định một thôn phó trong khi sau khi sát nhập thôn dân cư tăng lên khó khăn trong quản lý.
Trả lời: Về số lượng Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3-12-2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố quy định cụ thể: “Mỗi thôn có Trưởng thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp cần thiết thì có 1 Phó Trưởng thôn, 1 Phó Tổ trưởng tổ dân phố”.
Như vậy, mỗi 10 thôn, tổ dân phố chỉ được bố trí tối đa 1 Phó Trưởng thôn hoặc Phó Tổ trưởng tổ dân phố. Đối với kiến nghị của cử tri đề nghị có cơ chế bầu thêm 1 thôn phó ở những thôn có đông dân cư sau khi sáp nhập thôn để thuận lợi trong công tác quản lý. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các địa phương tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Nội vụ xem xét, sửa đổi Thông tư số 14/2018/TT-BNV cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Gia Lai.
GLO