Bạn đọc

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời cử tri huyện Phú Thiện và Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời cử tri về việc bố trí xe cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện; hỗ trợ di dời công trình, nhà ở trong phạm vi hành lang an toàn Dự án điện gió trên địa bàn xã Ia Pếch (huyện Ia Grai). Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung trả lời vấn đề nêu trên.

Kiến nghị:
Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-UBND ngày 18-12-2020 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về việc phê duyệt phương án rà soát, sắp xếp xe ô tô của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Gia Lai, Công văn số 3224/STC-QLGCS ngày 21-12-2020 của Sở Tài chính về triển khai thực hiện Quyết định số 712/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 8-4-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chuyển giao xe ô tô cho Ban Dân tộc tỉnh và có ý kiến đề xuất sớm bố trí xe ô tô cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện nhằm phục vụ công tác. Tuy nhiên, đến nay Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện vẫn chưa được bố trí xe. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm bố trí xe cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện để phục vụ công tác.
Kết quả giải quyết:
Căn cứ Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 14-1-2020 của UBND tỉnh quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện không có tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô dùng chung, vì vậy việc điều chuyển xe ô tô dùng chung cho Ban Dân tộc tỉnh quản lý sử dụng là đúng quy định; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện có tiêu chuẩn, định mức sử dụng 1 xe ô tô chuyên dùng, chủng loại xe bán tải, mức giá tối đa 800 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, hiện nay qua rà soát trên địa bàn tỉnh không có xe ô tô chuyên dùng, loại xe bán tải để điều chuyển cho đơn vị. Vì vậy, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện có ý kiến với UBND huyện Phú Thiện cân đối, bố trí kinh phí để mua xe ô tô chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ của đơn vị theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Kiến nghị:
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết các kiến nghị của các hộ dân có đất sản xuất gần các trụ tháp gió thuộc Dự án điện gió trên địa bàn xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Điện Xanh Gia Lai thi công trụ điện gió khi chưa thực hiện việc thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ theo quy định làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất hợp pháp của các hộ dân. Ngoài ra, các trụ điện gió vận hành gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; mương thoát nước liên quan tới trụ E28, E29 gây xói mòn đất canh tác của Nhân dân, trụ điện gió khi vận hành gây tiếng ồn ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân ở gần, vì vậy cần hỗ trợ di dời công trình, nhà ở trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió.
Kết quả giải quyết:
- Dự án điện gió trên địa bàn xã Ia Pếch, huyện Ia Grai của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Điện Xanh Gia Lai thi công trụ điện gió khi chưa thực hiện việc thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ theo quy định làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất hợp pháp của các hộ dân: Dự án Nhà máy điện gió Ia Pếch, Dự án Nhà máy điện gió Ia Pếch 2 do Công ty Đầu tư năng lượng Điện Xanh Gia Lai làm nhà đầu tư đã được thi công hoàn thành 100% các hạng mục công trình theo hồ sơ thiết kế được duyệt; đồng thời nhà đầu tư cũng đã thỏa thuận đền bù, hỗ trợ đối với phần diện tích đất trong phạm vi thi công của nhà đầu tư với các chủ sử dụng đất.
- Ảnh hưởng của các trụ điện gió đến đất và tài sản trên đất, năng suất cây trồng, đời sống của người dân khu vực dự án: Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư chỉ mới đưa vào vận hành thương mại 5 trụ turbine gió thuộc Dự án Nhà máy điện gió Ia Pếch (chủ yếu nằm trong các lô cao su); các trụ turbine còn lại chưa vận hành nên chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến cây trồng của người dân (cà phê, cao su, hồ tiêu). Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản, tài liệu cụ thể xác định việc vận hành của các trụ turbine gió làm giảm năng suất đối với cây trồng và quy định bồi thường cây trồng thuộc hành lang an toàn của cột tháp gió. Do vậy, chưa đủ cơ sở để yêu cầu nhà đầu tư bồi thường, hỗ trợ theo nội dung kiến nghị của công dân.
- Ảnh hưởng của mương thoát nước liên quan tới trụ E28, E29: Tại khu vực này là đường dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại làm rẫy của các hộ dân sản xuất trong khu vực cũng như của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Khi thi công trụ turbine nhà thầu thi công đã lắp đặt cống ngầm đấu nối vào mương thoát nước của hộ dân phía hạ lưu, đồng thời nhà đầu tư đã thỏa thuận hỗ trợ di dời đối với nhà ông Cầu ra khỏi khu vực trụ điện gió thi công bị ảnh hưởng, đến nay hai bên cơ bản đã thỏa thuận và di dời xong.
- Về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thuộc hành lang an toàn của cột tháp gió: Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1037/STNMT-TCKH&TK ngày 16-3-2022 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai có văn bản hướng dẫn cơ chế thỏa thuận, bồi thường cho người dân đối với diện tích thuộc hành lang an toàn công trình điện gió để UBND tỉnh Gia Lai hướng dẫn nhà đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh làm căn cứ thực hiện. Ngày 21-4-2022, Tổng cục Quản lý đất đai đã có văn bản hướng dẫn công tác bồi thường đối với dự án thuộc ngân sách nhà nước, tuy nhiên chưa có ý kiến hướng dẫn đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Điều 73 Luật Đất đai (hiện đang vướng mắc tại địa phương). Ngày 23-5-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Văn bản số 2080/STNMT-KHTC&TK đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
Do vậy, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai có văn bản hướng dẫn về vấn đề nêu trên; Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh Gia Lai hướng dẫn các địa phương và nhà đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Ia Grai nói riêng triển khai bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản gắn liền với đất thuộc hành lang an toàn của cột tháp gió theo quy định.
(Còn nữa)
GLO
 

Có thể bạn quan tâm