Bạn đọc

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời giải quyết kiến nghị cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị cử tri liên quan việc thanh toán chế độ đãi ngộ cho hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong trước năm 1975.

*Kiến nghị:

Hiện nay, còn nhiều hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong trước năm 1975 chưa được thanh toán chế độ đãi ngộ theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong hồ sơ đề nghị đã có xác nhận của chính quyền địa phương nơi hội viên tham gia tình nguyện, nhưng ngành Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu phải có giấy tờ gốc (vì chiến tranh các hội viên đã xung phong nên không có quyết định triệu tập, đã mất giấy tờ gốc); đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết chế độ cho các hội viên (Cử tri TP. Pleiku).

- Trả lời:

Căn cứ Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2012/TT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16-4-2012 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ, trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được quy định cụ thể:

Về nhận hồ sơ thuộc trách nhiệm của Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định, tổng hợp, trình UBND cấp tỉnh ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp.

Sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh, Sở Nội vụ chuyển quyết định kèm theo hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp của đối tượng cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý, tổng hợp danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp một lần đề nghị bổ sung dự toán chi chế độ trợ cấp một lần về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng thời, tổ chức thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng được hưởng theo quy định hiện hành.

Đối với kiến nghị trên của cử tri, Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chưa nhận được phản ánh cụ thể về trường hợp nào. Đề nghị cử tri liên hệ trực tiếp Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để được kiểm tra, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định.

*Kiến nghị:

Sau khi sáp nhập thôn, làng đặc biệt khó khăn vào thôn, làng không thuộc diện đặc biệt khó khăn (theo Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về việc chia, nhập để thành lập và đặt tên mới thôn, tổ dân phố; đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh), học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không còn được miễn, giảm học phí (như trước khi sáp nhập), dẫn đến nhiều em phải nghỉ học do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn; đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế chính sách miễn/giảm học phí cho toàn bộ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, để các em có cơ hội đến trường học tập (Cử tri huyện Krông Pa và Phú Thiện).

- Trả lời:

Việc sáp nhập các thôn, làng theo Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh là thực hiện theo chủ trương chung của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Theo đó, các chính sách, chế độ thực hiện sau khi sắp xếp thực hiện phù hợp với quy định hiện hành.

Hiện nay, đối tượng được miễn giảm/giảm học phí đã được quy định cụ thể tại Điều 15, Điều 16 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ; theo đó, không quy định UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết đối với nội dung này nên UBND tỉnh không có cơ sở triển khai thực hiện.

Có thể bạn quan tâm