(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời về việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến miễn, giảm kinh phí đo đạc, xuất trích lục đối với hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí để khắc phục thiệt hại do dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
*Kiến nghị:
Hiện nay, theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ đơn giá sản phẩm: đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai (trong đó kinh phí để thực hiện đo đạc, xuất trích lục khá cao: Như đo đạc từ 1.000 m2 đến 3.000 m2, nếu trong khu vực đô thị là 2,163 triệu đồng, ngoài khu vực đô thị là 1,44 triệu đồng), chưa quy định nội dung miễn, giảm mức phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mặt khác mức thu nhập của đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn thấp, khó có khả năng chi trả kinh phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Cử tri đề nghị HĐND-UBND tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ hoặc chế độ miễn, giảm mức thu phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn giảm kinh phí đo đạc, xuất trích lục đối với hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho các hộ này được đo đạc, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Kết quả giải quyết:
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng giá dịch vụ trích đo địa chính thửa đất để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với trường hợp được trích đo theo quy định) trên cơ sở bộ đơn giá sản phẩm đo đạc lập bản đồ địa chính được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 và đề xuất giải pháp thực hiện miễn, giảm kinh phí đo đạc, xuất trích lục đối với hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đôn đốc nhiệm vụ, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn số 3471/VP-NL để chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri liên quan đến việc miễn giảm kinh phí đo đạc, xuất trích lục đối với hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn thành trong tháng 11-2022.
*Kiến nghị:
Vừa qua, dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc đã làm chết 145 con bò của 131 hộ dân, với tổng trọng lượng là 25.461 kg, tổng thiệt hại là 1.145.745.000 đồng. Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ đã chủ động xuất nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ các hộ dân có bò chết là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Để tiếp tục giúp người dân có điều kiện tái sản xuất, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, sớm bổ sung ngân sách hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi có bò chết do mắc bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Đak Pơ.
- Kết quả giải quyết:
Trên cơ sở báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Tờ trình số 686/TTr-UBND ngày 8-4-2022 về việc đề xuất hỗ trợ kinh phí để khắc phục thiệt hại do dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai trình Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo cơ chế của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò là dịch bệnh mới phát sinh tại nước ta; cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia súc bị bệnh từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương mới được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 27-9-2021 trở đi (theo Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12-8-2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 quy định về phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn có hiệu lực). Đến nay, các bộ, ngành chưa ban hành kịp thời các công văn hướng dẫn cơ chế, chính sách để hỗ trợ thiệt hại cho người dân như Công văn số 7039/BTC-NSNN ngày 20-7-2022 của Bộ Tài chính về việc kinh phí khắc phục thiệt hại do dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò năm 2021 có nêu: “Đến nay, cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng-chống bệnh viêm da nổi cục chưa được Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành”.
GLO