Kinh tế

Nông nghiệp

Vaccine dịch tả lợn châu Phi thử nghiệm thành công, Bộ NNPTNT tiết lộ gì về giá bán?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 23/2, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong tuần này Bộ sẽ ký quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và nếu điều kiện thuận lợi thì cuối quý II, đầu quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại để phục vụ cho phát triển chăn nuôi lợn trong nước với giá bán hợp lý.

Tại cuộc họp bàn về triển khai thực hiện Chiến lược chăn nuôi 2020-2030, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi chiều ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT thường xuyên cung cấp thông tin về vaccine dịch tả lợn châu Phi.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai chiến lược chăn nuôi 2020-2030 và công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi .
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai chiến lược chăn nuôi 2020-2030 và công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi .


Nghiên cứu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu, chọn lọc được chủng virus để sản xuất vaccine, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y cùng với Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) và một số doanh nghiệp chủ động hợp tác chặt chẽ với đối tác Hoa Kỳ để tiếp nhận chủng giống, tổ chức nghiên cứu, đánh giá an toàn, hiệu lực của vaccine.

Theo báo cáo của Công ty Navetco, sau 5 lần thí nghiệm, vaccine có khả năng bảo hộ 100% số lợn được tiêm vaccine và công cường độc trong phòng thí nghiệm. Trong điều kiện sản xuất cho thấy, vaccine dịch tả lợn châu Phi đã bảo hộ được 80% số lợn được tiêm vaccine, công cường độc và đang tiếp tục theo dõi được 3 tháng rưỡi sau tiêm phòng.

Bộ NNPTNT phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi và đông khô vaccine và có 5 lô vaccine đã được sản xuất với số lượng hơn 100.000 liều.

Đến nay, đã xác định liều tiêm, xác định thời điểm thích hợp và đang theo dõi thêm thời gian đáp ứng miễn dịch.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong tuần này Bộ sẽ ký quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và nếu mọi điều kiện thuận lợi thì cuối quý đầu quý 2 và đầu quý 3 chúng ta có vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại để phục vụ cho phát triển chăn nuôi trong nước.

Nói về giá bán vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang tổng hợp, đánh giá các yếu tố về giá thành vaccine dịch tả lợn châu Phi. Do Công ty Navetco là doanh nghiệp Nhà nước có 65% cổ phần, nên theo ông Tiến, lợi ích xã hội phải là chính, còn hạch toán để doanh nghiệp góp phần hiệu quả cũng phải tính đến.

"Chúng tôi xác định giá thành của 1 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi không quá cao so với cơ cấu giá thành sản xuất thịt lợn trong nước" – ông Tiến nói.

Trong tháng 1/2021, đàn lợn tiếp tục đà phục hồi trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số đàn lợn của cả nước tháng 1/2021 tăng khoảng 16,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Tính đến cuối tháng 12/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 27,3  triệu con, tương đương 88,7% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, dịch dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp, số lợn phải tiêu hủy khoảng 2.000 con.

"Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi nhưng giá thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán không có biến động lớn và đến nay đang có xu hướng giảm, điều đó cho thấy tốc độ tăng trưởng trong khi kế hoạch chúng ta đã giữ ổn định" – ông Tiến nói.

Nguy cơ dịch bệnh trên động vật vẫn rất lớn

Theo số liệu thống kê, tháng 01/2021, tổng số đàn gia cầm của tăng khoảng 6,5% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò của cả nước tăng khoảng 2,2% và đàn lợn của tăng khoảng 16,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Về dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, với quy mô đàn vật nuôi rất lớn, mật độ rất đông, thời tiết thay đổi đang ở giai đoạn chuyển mùa nhưng chúng ta đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cả động vật trên cạn và cả thủy sản dưới nước. Do vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thủy sản vẫn đang giữ nhịp độ như kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết; nhất là ở thời điểm chuyển giao mùa sau Tết Nguyên đán nên gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, trong 2-3 năm vừa qua, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn sinh học còn chiếm tỷ cao.

Đặc biệt, việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm gia tăng rất mạnh do nhu cầu thực phẩm trong giai đoạn Tết Nguyên đán và một số lễ hội đầu xuân… nên dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng là rất cao như: lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục...

 


Cả nước có 42 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Từ tháng 10/2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đến nay đã xảy 184 ổ dịch tại 163 xã thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh 2.240 con, với 267 con chết và tiêu hủy.

Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 81 ổ dịch thuộc 38 huyện của 15 tỉnh. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 805 con, trong đó đã tiêu hủy 63 con.

Hiện nay, cả nước có 42 ổ dịch tại 17 huyện của 08 tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 771 con, số gia súc đã tiêu hủy là 39 con. Nặng nhất hiện nay là tỉnh Hà Tĩnh có 27 ổ dịch và 464 con gia súc mắc bệnh.


https://danviet.vn/vaccine-dich-ta-lon-chau-phi-thu-nghiem-thanh-cong-bo-nnptnt-tiet-lo-gi-ve-gia-ban-2021022316591563.htm



Theo Khương Lực (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm