Anh Nguyễn Đình Hoạch (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) là một trong những hộ tiên phong đưa giống vải u hồng về trồng trên đất Chư Pưh. Năm 2017, anh lặn lội ra tận Hải Dương tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng loại cây này. Sau khi nắm vững kỹ thuật, anh mua giống về trồng xen với sầu riêng và nhãn. “Tôi nhận thấy cây vải u hồng rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Do vậy, từ vài chục cây ban đầu, đến nay, tôi đã trồng xen hết 2,5 ha đất của gia đình”-anh Hoạch cho biết.
Cũng theo anh Hoạch, cây vải trồng trên đất Ia Blứ có nhiều ưu thế. Đặc biệt, cây vải cho thu hoạch vào đầu tháng 4 và kéo dài hơn 1 tháng, sớm hơn các vùng trồng vải ở phía Bắc nên giá bán cao, lại dễ tiêu thụ. Hiện nay, vườn vải của gia đình anh có hơn 100 cây đã cho thu hoạch được 5 tấn quả. Các năm trước, thương lái thu mua quả vải tại vườn với giá 35-45 ngàn đồng/kg. Riêng năm nay, giá tăng lên 43-50 ngàn đồng/kg. Mức giá này đã mang lại cho gia đình anh gần 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Hiện vườn vải của gia đình anh Nguyễn Đình Hoạch có hơn 100 cây cho thu hoạch được 5 tấn quả. Ảnh: Phạm Ngọc |
“Đây là vụ thu hoạch thứ 3. Các năm tiếp theo vườn cây sẽ tăng sản lượng vì có thêm gần 300 cây bước vào kinh doanh. Để quả vải đạt chất lượng, tôi chăm sóc vườn cây theo hướng an toàn, hữu cơ. Ngoài ra, tôi còn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước đến từng gốc cây. Nhờ đó, cây luôn cho quả to mọng, ngọt, cùi dày”-anh Hoạch cho biết thêm.
Qua câu chuyện với anh Hoạch được biết, công trồng và chăm sóc cây vải cũng như chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tốn nhiều như với cây nhãn và sầu riêng. Từ khi trồng đến khi cây cho quả là gần 3 năm. Để vườn cây nuôi quả trong mùa khô, cứ 10 ngày thì tưới 1 lần. Mức chi phí đầu tư chăm sóc cây vải trong thời kỳ kinh doanh khoảng hơn 100 ngàn đồng/cây/năm, thấp hơn nhiều so với cây cà phê, hồ tiêu, nhãn và sầu riêng. Điều quan trọng là người trồng phải nắm bắt căn bản kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tưới nước, xử lý cho cây ra hoa, đậu quả.
Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch, anh Hoạch còn bán cây giống cho các hộ có nhu cầu. Các năm trước, anh bán trên 1.000 cây giống. Riêng năm nay, nhận thấy mô hình trồng vải đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người tìm đến anh để mua cây giống. Hiện tại, anh đã xuất bán hơn 3.000 cây giống cho các hộ dân trong huyện.
Theo ông Phan Thành-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Blứ, những năm gần đây, nông dân trong xã có xu hướng mở rộng diện tích cây ăn quả sau khi cây hồ tiêu bị chết vì dịch bệnh. Qua đánh giá, mô hình trồng vải của gia đình anh Hoạch bước đầu cho năng suất, chất lượng cao, tiêu thụ tốt.
“Thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp với cơ quan chức năng huyện tổ chức các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả cho hội viên nông dân, trong đó có cây vải. Đồng thời, Hội cũng đang xây dựng kế hoạch chọn vườn vải của gia đình Hoạch để tổ chức cho hội viên nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm”-ông Thành thông tin.
Mô hình trồng vải của gia đình anh Nguyễn Đình Hoạch bước đầu mang lại hiệu quả về năng suất, chất lượng, tiêu thụ tốt. Ảnh: Phạm Ngọc |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Trên địa bàn huyện có 14,2 ha vải, trong đó có 10 ha vải u hồng, 4,2 ha vải thiều. Cây vải được người dân trồng xen với nhiều loại cây ăn quả khác. Đây là loại cây trồng mới được các hộ dân đưa giống về trồng từ năm 2017. Nhiều vườn cây phát triển tốt, cho năng suất trung bình 40-50 kg quả/cây. Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng, không nên trồng ồ ạt, gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm sau này.
“Để cây vải nói riêng, cây ăn quả nói chung phát triển bền vững, hiệu quả lâu dài, chúng tôi định hướng người dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh rủi ro khi biến động thị trường về giá cả. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quảng bá tiêu thụ nông sản, nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập”-ông Khánh nhấn mạnh.