Kinh tế

Nông nghiệp

Vải u hồng bén đất Thăng Hưng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 3 năm chăm bón, vườn vải u hồng của ông Mai Văn Quang (thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã cho thu bói. Nhờ được mùa và giá cao, chỉ riêng vụ này, gia đình ông đã thu hồi đủ vốn đầu tư.

 Vườn vải u hồng của gia đình ông Mai Văn Quang cho bói ước đạt 4-5 tấn. Ảnh: Lê Hòa
Vườn vải u hồng của gia đình ông Mai Văn Quang cho bói ước đạt 4-5 tấn. Ảnh: Lê Hòa

Trước đây, gia đình ông Quang trồng 5 ha cà phê. Năm 2018, vườn cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, trong khi giá cà phê giảm nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, ông chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. “Tôi không trồng đại trà một loại cây mà đa canh. Ngoài mít và sầu riêng, tôi còn trồng 200 cây vải u hồng trên diện tích 6 sào”-ông Quang cho biết.

Thay vì chọn giống vải nổi tiếng ở các tỉnh phía Bắc thì ông Quang lại sang Đak Lak học hỏi kinh nghiệm trồng vải u hồng. Ông tin rằng với sự tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng, giống vải này sẽ phù hợp với vùng đất Chư Prông.

“Tôi qua huyện Krông Nô (tỉnh Đak Lak) để học hỏi kinh nghiệm lựa chọn giống, cách chăm sóc, cách ép cây ra quả. Sau khi vững vàng kiến thức, tôi đặt họ cây giống để đưa về trồng. Xác định hướng canh tác lâu dài nên tôi chuẩn bị đất, bón lót phân hữu cơ kỹ lưỡng”-ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, chăm sóc cây vải u hồng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và tốn nhiều công hơn cà phê. Mùa nắng, trung bình 15-20 ngày phải tưới nước 1 lần. Để vải trổ bông, cho quả đều, nhà vườn phải áp dụng kỹ thuật kích hoa bằng cách siết cành. Thời gian thích hợp bắt đầu ép cây, kích hoa là khoảng cuối tháng 10.

“Việc cắt siết cành có tác dụng tạo ức chế đến quá trình sinh trưởng của cây, khống chế không cho cây ra lá mới và dành sức để tạo hoa. Tuy nhiên, vết siết cành không nên quá sâu vì sẽ vô tình cắt đứt mạch vận chuyển dinh dưỡng, gây chết cành; còn vết cắt quá nông sẽ không tạo đủ sức ép, cành không ra hoặc ra ít hoa”-ông Quang chia sẻ kinh nghiệm.

Vụ thu bói này, ông Quang thu hoạch tầm 20-25 kg quả/cây, ước tính sản lượng vườn đạt 4-5 tấn, giá bán lẻ tại vườn là 40 ngàn đồng/kg. Hiện vườn vải u hồng của gia đình ông Quang đang thu hút khá đông người dân đến tham quan, trải nghiệm. Ước tính từ đầu vụ thu hoạch đến nay, gia đình ông Quang đã bán được trên 1 tấn vải. Đặc biệt, trái vải u hồng vườn nhà ông Quang rất to, mọng nước, khoảng 30 quả/kg, hạt vừa phải, cơm dày.

“Vụ vải năm nay, gia đình tôi ước tính thu về khoảng 150-160 triệu đồng. Với khoản thu này, gia đình đã lấy lại đủ chi phí đầu tư, nhân công chăm sóc cả 3 năm nay. So với bơ, mít thì lợi nhuận đem lại từ cây vải cao hơn nhiều. Vừa qua, tôi tự nhân giống, chiết cành trồng thêm 200 cây”-ông Quang cho biết thêm.

 Vụ thu hoạch bói ông Quang ước tính mỗi cây đã cho từ 20-25 kg trái. Ảnh: Lê Hòa
Vụ thu hoạch bói, ông Quang ước tính mỗi cây vải cho 20-25 kg quả. Ảnh: Lê Hòa


Là khách hàng nhiều lần ghé mua vải u hồng tại vườn nhà ông Quang, anh Nguyễn Minh Trung (thôn 4, xã Thăng Hưng) chia sẻ: “Tôi mua vải từ vườn ông Quang nhiều rồi. Vải rất thơm, ngọt, không bị sâu cuống. Khách còn được ra vườn tự hái những chùm vải ưng ý nên cảm giác rất thú vị”.

Ông Trần Việt Đức-Chủ tịch Hội Nông dân xã Thăng Hưng-cho hay: Những năm qua, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa vào canh tác một số loại cây trồng mới, bước đầu góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Vườn vải u hồng của gia đình ông Quang là một điển hình. 

Chúng tôi khá bất ngờ khi vườn vải đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Điều đó cho thấy cây vải u hồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Giá bán hiện tại dù cao hơn vải thiều được nhập từ các vùng khác về, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chọn mua bởi sự tươi ngon. Hội Nông dân và các ban, ngành địa phương đang có định hướng hỗ trợ gia đình xây dựng và phát triển mô hình vải u hồng trở thành sản phẩm OCOP của xã, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương”-ông Đức nói.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm