Kinh tế

Doanh nghiệp

Vẫn còn khó khăn trong việc triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong hai ngày (17 và 18-11), tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Diễn đàn giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), với sự tham dự của lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh phía Nam (từ Bình Thuận trở vào). Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 (ngày 17-11-2010) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.

 Một đại biểu phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Liêm
Một đại biểu phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Liêm

Sau 3 năm có hiệu lực, Luật đã góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể có liên quan và lợi ích hợp pháp của NTD. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này việc triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vẫn gặp lúng túng và các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Trong giai đoạn 2012-2014, trung bình hàng năm, Sở Công thương và UBND cấp huyện ở các địa phương trong nước chỉ tiếp nhận và giải quyết khoảng 300 khiếu nại của NTD. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và cá nhân, tổ chức kinh doanh được luật hóa thì hòa giải là phương thức được sử dụng rộng rãi hơn, chiếm 80% các vụ việc khiếu nại của NTD. Tuy nhiên, kết quả hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi, do giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành là không cao. Cho đến nay, mặc dù luật và các văn bản hướng dẫn giao nhiều chức năng, nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cho các Sở Công thương, song tại các sở này chưa có một bộ phận, thậm chí là một cán bộ chuyên trách thực hiện chức năng đó…

Tại diễn đàn, hầu hết ý kiến của lãnh đạo các Sở Công thương đều cho rằng, trước yêu cầu và xu thế phát triển, mở rộng hoạt động thương mại của thị trường trong nước, khu vực và hội nhập quốc tế, vấn đề vi phạm quyền lợi NTD sẽ phát sinh nhiều hơn về số lượng, mức độ vi phạm sẽ phức tạp hơn. Do vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia vào cuộc của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự phối hợp trong quá trình thực thi để công tác bảo vệ quyền lợi NTD ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Bộ Công thương, Cục Quản lý Cạnh tranh cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD để kiến nghị Chính phủ hoặc các bộ, ngành liên quan quy định rõ cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, quy trình tiếp nhận, thời gian xử lý khiếu nại của công dân và tổ chức liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của NTD.

Hoàng Liêm

Có thể bạn quan tâm