Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước thông tin áo dài Việt Nam lên sàn diễn Trung Quốc, Tuổi Trẻ Online đã nhận được sự chia sẻ của nhà thiết kế Sĩ Hoàng về vấn đề này.

 

Các người mẫu trong bộ ảnh phục dựng bộ sưu tập Áo dài Lemur - Ảnh: THÁI VŨ VŨ/VIỆN TRANG PHỤC VIỆT
 
Các người mẫu trong bộ ảnh phục dựng bộ sưu tập Áo dài Lemur - Ảnh: THÁI VŨ VŨ/VIỆN TRANG PHỤC VIỆT


Cách đây hơn 10 năm, khoảng năm 2008, tôi nhớ đó là dịp chương trình giao lưu kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt - Nhật, tôi cùng đoàn ca múa nhạc Bông Sen sang Nhật, trưởng đoàn là chị Nguyễn Thế Thanh - nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM.

Sau khi chương trình biểu diễn kết thúc, tôi và chị Thế Thanh đến tham quan Bảo tàng Kimono tại Tokyo. Trong bảo tàng đang có cuộc triển lãm Lịch sử 5.000 năm trang phục Trung Quốc. Có thể nói họ làm rất kỳ công.

Thời điểm đó tôi cũng đang có dự án xây dựng Bảo tàng Áo dài ở Quận 9 (TP.HCM) nên rất hứng thú đi xem để tìm hiểu.

Khi xem đến tủ kính trưng bày cuối cùng, cả tôi và chị Thế Thanh đều sửng sốt khi thấy bên trong trưng bày một bộ áo dài lụa Việt Nam màu xanh ngọc, có cả nón lá và đôi guốc gỗ. Họ ghi rất rõ "Trang phục hiện đại Trung Quốc".

Bảo tàng không cho chụp hình nên tôi đã không chụp lại được. Nhìn hình ảnh đó chị em chúng tôi vừa giận vừa lo. Khi về Việt Nam, dù không đủ kinh phí tôi cũng chạy mượn nợ, gấp rút bắt tay vào xây dựng Bảo tàng Áo dài để 4 năm sau Bảo tàng được khánh thành.

11 năm qua, trong các cuộc giao lưu, trò chuyện về việc giữ gìn và phát huy áo dài tôi đều nhắc đến câu chuyện này. Khi gặp gỡ các em học sinh - sinh viên tôi thường hỏi các em ngoài bộ áo dài đồng phục, trong tủ của các em có thêm bộ áo dài nào khác không. Rất buồn là nhiều em bảo không có.


 

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng - Ảnh: LINH ĐOAN
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng - Ảnh: LINH ĐOAN



Tôi nhớ khoảng những năm 1990 các trường yêu cầu học sinh mặc áo dài nhiều nhưng sau này tự nhiên mất đi, hoặc có chỉ vào thứ hai hàng tuần. Tôi cho rằng áo dài là văn hóa mặc của người Việt Nam, bạn muốn giữ được văn hóa đó bạn phải mặc.

Mặc áo dài không chỉ để đẹp mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân.

Cách đây hơn 10 năm chúng tôi đã lo lắng, và hôm nay càng lo lắng hơn vì họ không chỉ trưng bày thầm lặng ở một bảo tàng mà đã công khai chiếm lấy áo dài ở một Fashion Show.

Người Việt Nam chúng ta khi đi chùa, lễ, Tết mà không mặc áo dài là coi như mình từ chối văn hóa của mình. Văn hóa chỉ bảo tồn một cách chắc chắn, phát huy được giá trị chỉ khi được sống trong lòng đời sống hàng ngày.

Tôi nhớ trong hai cuộc thiết kế áo dài cho đội ngũ tiếp viên hàng không Việt Nam, có nhiều giải pháp đưa ra nào là mặc đầm, đồ Tây nhưng tôi và nhà thiết kế Minh Hạnh đều đồng quan điểm gìn giữ chiếc áo dài, đó là biểu tượng văn hóa, hình ảnh Việt Nam với du khách quốc tế.

Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!

Một số mẫu áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng:


 

 
 
 
 
 


LINH ĐOAN ghi (TTO)

Có thể bạn quan tâm