Bạn đọc

Văn hóa ứng xử nơi cổng trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ trước đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vẫn thường được xem là chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhưng ngặt nỗi, nói hoài, nói mãi mà vẫn chưa có phương án hữu hiệu để giải quyết vấn đề. 
Thậm chí, sự ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng hơn khi sự gia tăng của các phương tiện giao thông, nhất là ô tô. Mỗi lần nhắc đến vấn đề này, anh bạn tôi có 2 con đang học tại một trường THCS trên địa bàn thành phố lại không nén được tiếng thở dài cùng sự than phiền. Trường học gần chợ, gần công viên nên lưu lượng người, phương tiện qua lại mỗi ngày khá lớn. Trong khi đó, khuôn viên trường hẹp không có khu vực dành cho phụ huynh dừng, đậu xe. Vì vậy, vào giờ tan học, cổng trường luôn kẹt cứng xe cộ; không có quy định rõ ràng nên phụ huynh dừng, đỗ xe tùy thích. Ai cũng tìm cho mình vị trí thích hợp: con cái dễ thấy, thuận tiện cho việc rời đi... nên cảnh tượng lộn xộn cứ thế tiếp diễn. Vỉa hè, lòng lề đường trước cổng trường đều bị chiếm dụng thành bãi đậu xe nên các phương tiện tham gia giao thông khác muốn lưu thông trên đoạn đường này vào giờ tan học trở nên khó khăn.   
Chưa hết, nhiều phụ huynh thay vì kiên nhẫn đợi, xuống xe tìm kiếm con lại chọn cách ngồi trên xe và bấm còi inh ỏi để thu hút sự chú ý từ con. Điều này vô hình trung khiến không gian càng trở nên lộn xộn, chật chội hơn. Để tránh khỏi sự bực bội không đáng có, anh bạn tôi lựa chọn giải pháp đón con muộn hơn giờ tan học và dặn con chơi trong khuôn viên trường cho đến khi mình đến đón. Anh cho rằng, đường hẹp, khuôn viên trường hạn chế chỉ là lý do rất nhỏ dẫn đến việc ùn tắc giao thông mà quan trọng là do ý thức của phụ huynh. Mỗi người đều vin vào một lý do nào đó để bao biện cho việc thiếu ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ làm tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trở nên nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến trật tự mỹ quan đô thị và tạo nên những hình ảnh xấu xí trong mắt con trẻ.
Liên quan đến ý thức nơi công cộng, một đồng nghiệp của tôi kể, mới đây, chị đã lớn tiếng trách oan với cậu con trai đang học lớp 3, chỉ vì con đã... tuân thủ văn hóa xếp hàng. Chẳng là, con trai chị thích ăn xôi ở một quán nhỏ bên hông trường học. Có lẽ xôi ngon nên mỗi sáng có khá đông người đến mua. Có lần, chị đưa tiền để con tự mua còn mình thì đứng từ xa quan sát nhưng mãi vẫn thấy con xếp hàng chờ đến lượt trong khi nhiều người đến sau đã quay trở ra. Nhìn con cầm hộp xôi lại gần, chị bực mình hỏi: “Sao con cứ đứng mãi thế?”. Lúc này cậu con trai mới lí nhí trả lời: “Mấy cô chú đến sau mà cứ chen ngang đưa tiền trước, có người còn bảo đang vội nên cô bán xôi nói con chờ”. Nhìn con, chị vừa thương, vừa tội. Rõ ràng, con chị đã học và thực hành rất tốt về văn hóa xếp hàng nơi công cộng. Bài học mà con được học và áp dụng mỗi ngày trong trường học nhưng nhiều người lớn vì lý do nào đó lại lãng quên, thậm chí là cố tình quên. Phải chăng họ thiếu kiên nhẫn, ghét chờ đợi hay sợ đến sau thiệt thòi hơn người đến trước... Thực tế này khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và mỗi người trong chúng ta đều dễ dàng bắt gặp tại các bệnh viện, bến xe, sân bay...
Chúng ta luôn mong muốn thế hệ tương lai của đất nước là những công dân tử tế, công dân toàn cầu nhưng có lẽ mỗi người cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, kịp thời điều chỉnh những hành vi ứng xử, nhất là hành vi nơi công cộng để góp phần xây dựng môi trường văn hóa thật sự lành mạnh, văn minh.
AN NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm