Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Văn học Nghệ thuật Gia Lai: Dấu ấn 30 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 1-8-1988, Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum đã ban hành Quyết định số 273-QĐ/TV về việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai-Kon Tum (nay là Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai). 30 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã khắc phục khó khăn, không ngừng sáng tạo, chung sức hoàn thành sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, chiến sĩ trong sự nghiệp “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
 Triển lãm mỹ thuật là một trong những hoạt động được Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức nhằm phát huy sự sáng tạo của hội viên. Ảnh: Đức Thụy
Triển lãm mỹ thuật là một trong những hoạt động được Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức nhằm phát huy sự sáng tạo của hội viên. Ảnh: Đức Thụy
30 năm qua là một quá trình đầy khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi tự hào của những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà. Khó khăn là bởi, tiền thân của Hội VHNT Gia Lai là Phòng Xuất bản và Tạp chí thuộc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Thời gian đầu, Ban Chấp hành lâm thời do Tỉnh ủy chỉ định, gồm 9 người, do ông Trịnh Kim Sung-nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin làm Chủ tịch, ông Nguyễn Khắc Quán và họa sĩ Xu Man làm Phó Chủ tịch và gần 40 hội viên sáng lập. Đây là những tác giả đã và đang hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, cư trú và làm việc trên địa bàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Văn phòng Hội lúc bấy giờ cũng chỉ có 5 cán bộ, nhân viên, 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch Thường trực; cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu;  phương tiện làm việc đơn giản với vài bộ bàn ghế, một chiếc máy chữ với chiếc ô tô 4 bốn chỗ ngồi cũ nát; kinh phí hoạt động chuyên môn ít ỏi…
Sau 5 kỳ đại hội, đội ngũ văn nghệ sĩ Gia Lai ngày một trưởng thành và lớn mạnh. Đến nay, tổng số hội viên là 135 người, hoạt động trên các chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn hóa dân gian. Chất lượng hội viên ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ lẫn trình độ lý luận chính trị. Hầu hết anh chị em hội viên đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 14 anh chị em có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ, 2 Nghệ sĩ Nhân dân, 7 Nghệ sĩ Ưu tú và 63 hội viên các hội VHNT chuyên ngành Trung ương, trong đó có một số người là hội viên nhiều hội chuyên ngành Trung ương. 

Đến nay, Hội VHNT Gia Lai được tặng 2 cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương. Nhiều văn nghệ sĩ đã đạt giải thưởng của các hội chuyên ngành trung ương và các cuộc thi trong và ngoài nước, trong đó, 2 giải thưởng Nhà nước về VHNT cho Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, họa sĩ Xu Man. Có 2 hội viên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 7 hội viên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Gia Lai tự hào là mảnh đất đã sinh ra những văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số nổi tiếng trong cả nước, như: họa sĩ Xu Man-cánh chim đầu đàn của phong trào mỹ thuật Tây Nguyên; nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Rơ Mah Del-người đầu tiên biên soạn Từ điển Jrai-Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm-cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa đương đại Tây Nguyên; Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang-người đầu tiên giới thiệu cây đàn goong (tinh ning) của người Bahnar đến với công chúng yêu nhạc trong nước và quốc tế... Gia Lai cũng là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ ở khắp mọi miền đất nước đến sinh sống, lập nghiệp và trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào VHNT của tỉnh. Có thể kể đến ở đây như: Nghệ sĩ nhiếp ảnh: Trần Phong, Phạm Dực, Huy Tịnh; họa sĩ: Nguyễn Văn Nhâm, Hồ Thị Xuân Thu, Lê Hùng; nhà thơ, nhà văn: Văn Công Hùng, Thu Loan, Hương Đình, Phạm Đức Long... Bên cạnh đó là 1 thế hệ văn nghệ sĩ trẻ đã và đang kế tục sự nghiệp sáng tạo VHNT của những đàn anh đi trước, như: Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng, nhạc sĩ Thảo Nam Giang, nhạc sĩ  Phi Ưng, nhà thơ Ngô Thanh Vân, họa sĩ Nguyễn Văn Chung, họa sĩ Mai Quý Ngọc, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vinh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc...
Nhiều tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ đã góp phần khẳng định vị thế của Hội VHNT  Gia Lai trong hệ thống các hội VHNT ở nước ta nói chung, mạng lưới các cơ quan làm công tác tư tưởng văn hóa ở tỉnh Gia Lai nói riêng, đồng thời góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, con người Gia Lai đến với bạn bè trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ không những có giá trị về mặt nội dung, tư tưởng và tính nghệ thuật, mà còn có giá trị về mặt quy mô thể loại, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của phong trào VHNT Gia Lai. Đó là các thể loại: tiểu thuyết, truyện vừa, trường ca, nhạc giao hưởng-thính phòng, ca khúc nghệ thuật, kịch múa...
Song song với việc sáng tác, nhiều anh chị em nghệ sĩ còn dành nhiều thời gian và công sức vào việc sưu tầm, nghiên cứu những giá trị độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc trong tỉnh. Kết quả, nhiều công trình, tác phẩm VHNT dân gian của đồng bào Jrai, Bahnar đã được sưu tầm, nghiên cứu và lần lượt được công bố. Đó là các công trình nghiên cứu: lịch sử văn hóa Bắc Tây Nguyên, tín ngưỡng tôn giáo của cư dân bản địa Gia Lai của TS. Nguyễn Thị Kim Vân; một số nét đặc trưng trong âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai, thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai của Th.S. Lê Xuân Hoan; dân ca Jrai, dân ca Bahnar, câu đố Jrai, câu đố Bahnar và nhiều sử thi Bahnar của Th.S. Nguyễn Quang Tuệ...  Những kết quả ấy không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là món ăn tinh thần bổ ích cho cán bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.        
Để có được những kết quả như trên, ngoài sự phấn đấu không biết mệt mỏi của mỗi văn nghệ sĩ, sự năng động và sáng tạo của Ban Chấp hành và sự đoàn kết thống nhất cao của Thường trực Hội là sự chỉ đạo kịp thời và sự quan tâm về tinh thần và vật chất của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành và sự nuôi dưỡng, chở che, cổ vũ động viên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh... Thời gian tới, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bám sát hiện thực đời sống để sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng phục vụ công cuộc xây dựng đổi mới đất nước ngày một phồn vinh, Gia Lai ngày một tươi đẹp, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
 Nhạc sĩ LÊ XUÂN HOAN
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

Có thể bạn quan tâm