Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Văn học thanh thiếu nhi: Khoảng trống còn bỏ ngỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào hè, nhiều địa phương trong cả nước sôi nổi khai mạc trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu nhi nhằm tạo sân chơi lành mạnh, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Trong khi đó, tại Gia Lai, đây lại là khoảng trống đang bỏ ngỏ. Mặt khác, số tác giả tham gia viết cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh cũng rất hiếm hoi.
Ngày 21-6 vừa qua, Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Cư M’gar (tỉnh Đak Lak) đã khai mạc Trại sáng tác thơ-văn Núi Hoa lần thứ 26. Trong thời gian 5 ngày, 30 trại viên là học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện đã được các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu... trao đổi những kiến thức cơ bản về văn hóa Tây Nguyên cùng một số kinh nghiệm sáng tác thơ, văn. Ngoài ra, các em được tham quan thực tế tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa, di tích văn hóa-lịch sử và thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Kết thúc mùa trại, các trại viên đã hoàn thành 80 tác phẩm thơ và văn xuôi; những tác phẩm chất lượng được biên tập in thành sách. Qua 26 năm tổ chức, sân chơi này đã góp phần phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu văn chương, gầy dựng đội ngũ kế cận rất tốt. 
Những năm qua, Gia Lai cũng có không ít trại hè dành cho thanh thiếu nhi như: “Học kỳ quân đội”, “Học làm người có ích”, “Học làm chiến sĩ công an”… cùng nhiều lớp kỹ năng mềm, kỹ năng sống. Tuy nhiên, trại sáng tác văn học thì hầu như vắng bóng. 
Văn học thiếu nhi tại Gia Lai có một số khoảng trống đáng lưu tâm. Ảnh: Lam Nguyễn
Văn học thiếu nhi tại Gia Lai có một số khoảng trống đáng lưu tâm. Ảnh: Lam Nguyên
Trao đổi xung quanh chuyện này, nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-thừa nhận đang có một khoảng “hẫng” nhất định trong lực lượng những cây bút trẻ. Đến nay, Gia Lai chưa duy trì được một trại sáng tác văn học nào mang tính thường niên dành cho đối tượng thanh thiếu nhi. Duy chỉ có gia đình Áo Trắng tại Gia Lai (mạng lưới cộng tác viên của tập san tuổi học trò “Áo Trắng”) là thu hút được một bộ phận học sinh giỏi văn ở các trường phổ thông tham gia sinh hoạt, song số lượng tác phẩm cũng rất hạn chế.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: Học hỏi các địa phương trong khu vực, Hội cũng sẽ hướng tới mục tiêu tổ chức trại sáng tác trong thời gian tới, bắt đầu bằng việc gửi công văn đề nghị các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh giới thiệu những học sinh giỏi văn hoặc những em có năng khiếu sáng tác thơ văn để có kế hoạch mời tham gia. Tới đây, khi tỉnh Đak Lak khai mạc trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu nhi, đại diện Hội cũng sẽ góp mặt để tìm hiểu thêm về cách thức tổ chức sao cho hiệu quả.
Cùng với việc vắng bóng các trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu nhi, số tác giả trên địa bàn tỉnh viết cho lứa tuổi này cũng rất thưa thớt. Có thể điểm qua một vài cái tên như: Nguyễn Khắc Quán (tác phẩm “Đen con và tôi”), Phạm Đức Long (“Sơn ca của núi rừng”, “Ẩn sĩ Cóc”, “Làng Ma lai”), Bùi Quang Vinh (“Cuộc phiêu lưu của rùa”, “Chuyện chưa biết ở Chư Đang Ya”)… Lý do là bởi viết cho thiếu nhi không dễ và không phải nhà văn nào cũng có khả năng đắm mình trọn vẹn vào thế giới tuổi thơ để cho ra mắt những tác phẩm chất lượng. Đáng nói, tại trại sáng tác dành riêng cho nhà văn viết về đề tài thiếu nhi do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Nhà Sáng tác Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) trong tháng 6-2022, Gia Lai không có tác giả nào đăng ký tham gia. 
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều từng phát biểu: “Nền văn học thiếu nhi ở Việt Nam chúng ta đang trống vắng trong nhiều năm nay. Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam có Ban Văn học thiếu nhi. Chúng tôi có thể thay các hội đồng khác, các ban khác nhưng Ban Văn học thiếu nhi thì phải giữ lại. Vì chúng tôi đánh giá, văn học thiếu nhi là mảng vô cùng cấp thiết trong định hướng giáo dục”. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu những tác phẩm dành cho thiếu nhi trong thời gian qua như: sự nhận thức về tầm quan trọng của văn học thiếu nhi chưa cao; văn học thiếu nhi tưởng giản dị nhưng khó sáng tác…
Thiết nghĩ, những khoảng trống nêu trên trong mảng văn học thiếu nhi là điều rất đáng lưu tâm. Chỉ khi biết cách “gieo trồng” tình yêu với con chữ, chắp cánh cho sự bay bổng của cảm xúc và sự thăng hoa của trí huệ thì ta mới có thể ươm mầm thành công một thế hệ thật sự tâm huyết với việc chung tay làm cho thế giới tuổi thơ thêm đẹp, thêm phong phú, tạo dấu ấn cho văn học tỉnh nhà.  
LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm