Phóng sự - Ký sự

Vào vương quốc thủy tùng - Kỳ 1: Cơn sốt săn lùng báu vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một khu rừng gần như vẫn còn nguyên vẹn và hoang sơ với sinh cảnh đầm lầy tự nhiên cổ sơ được giữ lại giữa đại ngàn Tây Nguyên. Loài cây được xem như “hoá thạch sống” sừng sững xanh rì.

Những cây thủy tùng nguyên thủy vươn cao vút, trội hơn hẳn hàng trăm cây cổ thụ trong khu rừng. Ở nơi đó, có những người ngày đêm miệt mài thực hiện sứ mệnh bảo vệ báu vật cho đại ngàn Tây Nguyên

Cách đây hơn 10 năm, nhiều người miền xuôi lên săn lùng tìm mua thủy tùng với giá đắt đỏ. Kéo theo đó, nhiều cánh đồng bị băm nát bởi những nhát cuốc đào bới của người săn gỗ quý. Nhà nào có thủy tùng nơm nớp lo trộm lấy mất chiếc cầu thang vì được làm bằng thủy tùng. Có nhà, bò không sợ mất, chỉ sợ mất cái chuồng vì mấy cái cột làm bằng thủy tùng.

Cảnh sắc huyền bí

Cây thông nước (thủy tùng) thuộc loài đặc hữu rất hiếm mà cả sách đỏ thế giới và Việt Nam đặt vào tình trạng nguy cấp, được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, thủy tùng chỉ có duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk.

Đường vào quần thể thủy tùng (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) đi qua cánh đồng điện gió. Những cánh quạt gió sừng sững xen giữa vườn cà phê, tiêu xanh ngát, phía xa núi non trùng điệp tạo nên một khung cảnh mộc mạc và bình yên.

Con đường mòn nhỏ chạy cắt giữa rẫy hoa màu của người dân. Cỏ dại, lá cây chờm ngang mặt đường. Giọng anh Võ Thành Tám, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước rải đều theo những bước chân, anh bảo: Đến nay, đơn vị vẫn chưa có trụ sở, anh em phải ở tạm trong trạm của Hạt kiểm lâm cũ.

Dứt lời, chúng tôi dừng trước ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, dòng chữ trên tấm bảng được gắn vào bức tường ngả vàng của ngôi nhà: “Sở NN&PTNT Đắk Lắk: Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước”. Đây chính là trụ sở làm việc của Ban quản lý khu bảo tồn loài báu vật Tây Nguyên.

Trạm được đặt tại cửa rừng. Ngay dưới chân trạm là con đường dẫn vào rừng. Đường tuần tra được bố trí chạy dọc quần thể thủy tùng là những tấm gỗ ván được ghép với nhau đặt trên những chiếc thùng phuy bằng nhựa.

Bước đi trên tấm ván nhỏ, tôi ngước mắt lên tán lá kim màu xanh đậm đang lao xao trong gió. Cây thủy tùng mọc chung trong rừng với nhiều loại cây khác. Những tầng lá đan xen vào nhau, che lấp cả một khoảng trời, không khí mát lạnh trong lành căng tràn lồng ngực. Những thân cổ thụ phủ đầy rêu và địa y ẩm ướt, từng cây thủy tùng thẳng tắp tạo nên nét đẹp huyền bí bao trùm lấy không gian.

Quần thể thủy tùng ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo

Quần thể thủy tùng ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo

Anh Võ Thành Tám chia sẻ, thủy tùng đang được Ban khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Hai quần thể thủy tùng được phân bổ trên tổng diện tích 124,7ha ở huyện Ea H’leo, Krông Năng và 1 cây ở thị xã Buôn Hồ.

Hiện nay, Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước đang quản lý 162 cây thủy tùng nguyên sinh, trong đó xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) 142 cây, huyện Krông Năng 19 cây, và 1 cây nằm giáp ranh giữa một cây cầu của thị xã Buôn Hồ.

Dưới nắng vàng, cây thủy tùng cổ thụ hiện ra, vút cao hơn chục mét, thân cây sừng sững, 3-4 người ôm mới xuể.

“Đây là cây thủy tùng gần 700 tuổi, đường kính 1,06m, cao vút ngọn 13 mét. Ngoài ra, có những cây nhỏ được giới khoa học đánh giá năm sinh trưởng từ 1939. Trong thời điểm số lượng thủy tùng ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên thì sự tồn tại của quần thể này góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm”, anh Tám nói.

Con đường tuần tra được lắp cầu phao, mặt lót ván

Con đường tuần tra được lắp cầu phao, mặt lót ván

Cây thủy tùng gần 700 tuổi

Cây thủy tùng gần 700 tuổi

Bước chậm trên chiếc cầu gỗ, anh Tám kể say sưa về rừng. Việt Nam là nước thứ 3 có thủy tùng và là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên. Ở đây, anh em cả ngày lặn lội trong rừng thủy tùng.

Đang đà đi, anh đột ngột dừng lại, tay nâng dây tiêu rừng đang bám vào một gốc cây đã bị xén mất gốc, có lẽ do sự lỡ tay khi dọn cỏ. Khuôn mặt anh Tám chùng xuống hiện lên sự nuối tiếc, bởi anh muốn giữ tất cả những gì tự nhiên nhất của khu rừng.

Cơn sốt bảo vật

Mặt trời đã ngả bóng, dõi mắt theo tán cây xanh rì, tôi cảm thấy cánh rừng thật kỳ vĩ, huyền bí. Nhiều người già trong xã Ea Ral nói rằng, hơn chục năm về trước cơn sốt săn tìm thủy tùng rộ lên, hàng trăm người dân ở nhiều nơi đã đổ về đào bới, trục vớt “xác” thủy tùng lâu năm nằm trong các lòng hồ, dưới các vùng sình lầy. Thủy tùng có đặc điểm không bị mối mọt, cong vênh, thớ gỗ mịn, nhiều hoa văn, có mùi thơm, càng ngâm lâu dưới nước, dưới bùn vân gỗ càng bóng.

Trước nguy cơ tuyệt chủng cao của thông nước (thủy tùng), tháng 3/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định phê duyệt dự án bảo tồn cây thông nước. Tháng 8/2012, Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước được thành lập. Từ đó, Ban quản lý, bảo vệ 162 cá thể thông nước, trong đó xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) 142 cây, huyện Krông Năng 19 cây, và 1 cây nằm giáp ranh giữa một cây cầu của thị xã Buôn Hồ.

Một cụ già trên 80 tuổi xã Ea Ral cho biết, ngày ấy còn có thông tin đồn thổi loài cây này chữa được bách bệnh, thế là người người, nhà nhà đua nhau săn lùng loài gỗ quý hiếm này.

Hiện nay, những cây thủy tùng còn sót lại ở các huyện trên địa bàn tỉnh được xem là báu vật vô cùng quý giá. Từ khi Ban Quản lý khu bảo tồn được thành lập, quần thể thủy tùng được canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Được tuyên truyền, bà con có trách nhiệm với rừng, họ hiểu hơn việc cộng sinh giữa con người và thiên nhiên.

Chúng tôi ngược về huyện Krông Năng, đến xã Ea Hồ, những ngôi nhà sàn của người Êđê im ắng trong ánh nắng chiều. Trong ngôi nhà sàn, người phụ nữ Êđê hơn 40 tuổi tiếp chuyện, thời ông bà, chẳng ai quan tâm đến cây thủy tùng. Hồi ấy, từng khúc thủy tùng để lăn lóc trong sân, ngoài vườn. Có nhà còn dùng gỗ này làm chuồng cho gia súc, làm củi đun.

Cách đây hơn 10 năm, nhiều người miền xuôi săn lùng tìm mua thủy tùng với giá đắt đỏ. Kéo theo đó, nhiều cánh đồng bị băm nát bởi những nhát cuốc đào bới của người săn gỗ quý. Nhà nào có thủy tùng nơm nớp lo trộm. Vợ chồng chị H Phiêu có căn nhà do bố mẹ để lại, chiếc cầu thang lên xuống được làm từ cây thủy tùng. Ban ngày chồng đi làm rẫy, chị ở nhà vừa trông con vừa trông cầu thang, tối đến vác cầu thang vào nhà cất.

Chị kể tiếp, như nhà bà H Biu, chuồng bò có mấy cái cột làm bằng thân cây thủy tùng, bò không sợ mất, chỉ sợ mất cái chuồng. Ngày đêm mất ngủ canh giữ chuồng.

Tiếng thìa chạm vào cốc leng keng, chị nhấp một ngụm cà phê, tiếp câu chuyện, người Êđê bao đời nay vẫn sống dựa vào rừng. Bây giờ mọi người có ý thức bảo vệ rừng, rừng tổn hại thì nguồn sống của mình bị tổn hại...

(Còn nữa)

Theo NGUYỄN THẢO (TPO)

Có thể bạn quan tâm