Sống chật hẹp, nhếch nhác là vậy nhưng hầu như không ai muốn rời đi nơi khác.
Khu “ổ chuột” là điều mà nhiều người dân sống tại khu vực trung tâm Quận 1 này nói về nơi mình sống cùng một nụ cười cam chịu. Ở đó, những gia đình đa thế hệ vẫn chen chúc trong những căn nhà nhỏ tin hin, thèm lắm một bữa cơm sum họp…
Chỉ 10m2, ở 20 người
Len lỏi vào con hẻm nhỏ hẹp, sâu hun hút chỉ vừa một chiếc xe máy, chúng tôi đến tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1). Khu tứ giác này được người dân quen gọi bằng cái tên Mả Lạng bởi trước năm 1975, ở đây là nghĩa địa nằm xen với nhà dân. Sau này, các ngôi mộ được dời đi, nhường chỗ cho người đi kinh tế mới dọn về.
Mả Lạng được giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Trần Đình Xu, Nguyễn Cư Trinh. Mả Lạng có hàng trăm căn nhà diện tích chỉ vài m2 được xây cất tạm bợ, không cửa sổ thông gió, không có ánh sáng khi thành phố lên đèn, nằm chen chúc nhau, hoàn toàn đối lập với khu trung tâm mua sắm hạng sang, khách sạn 5 sao, phố Tây Bùi Viện sầm uất... chỉ cách vài phút đi bộ.
Căn nhà 10m2 của bà Hồng hiện đang có 19 người chen chúc nhau cùng sinh sống. Ảnh: U.P |
Bước ra trước hiên nhà, hướng ánh mắt lên trời để dò đoán thời tiết sau cơn mưa rào, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (ngụ 245/83/23 Nguyễn Trãi, quận 1) mừng rỡ khi thấy những tia nắng yếu ớt xuyên qua khe cửa. “Trời nắng nóng thì mình ra đường ngồi cho mát, nhưng mưa thì nhà dột, ướt đồ đạc khổ lắm” - bà Hồng tâm sự.
Ở trung tâm thành phố, chuyện người dân sống trong những căn nhà chật hẹp là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhìn vào căn nhà siêu nhỏ của gia đình bà Hồng thì không khỏi ái ngại. Chỉ với hơn 10m2, ngôi nhà của gia đình bà Hồng là nơi trú ngụ của 19 con người lớn nhỏ trong hàng chục năm trời.
Người phụ nữ 60 tuổi kể, đã ở đây gần 50 năm. Vợ chồng bà có 4 người con. Khi các con lập gia đình, nhân khẩu tăng lên gấp đôi, rồi các cháu nội ngoại lần lượt chào đời cũng dưới mái nhà này.
“Trước đây nhà tôi có tận 20 người, sau ông nhà mất do dịch bệnh COVID-19 nên chỉ còn 19. Ban ngày, con cháu đi làm, đi học hết nên nhà vắng hoe, chỉ đông đúc khi chiều tối” - bà Hồng nói.
Để có đủ chỗ cho ngần ấy người, bà Hồng cơi nới thêm hai gác gỗ, cầu thang dựng đứng sát vào vách tường. Theo chân đứa cháu trai của bà Hồng, tôi ráng sức leo từng bậc thang. Trên gác, chiếu gối, chăn mền ngổn ngang, quần áo giăng mắc khắp nơi như những tấm màn, tạo thành từng ô ngủ cho mỗi thành viên. Thằng nhỏ nhanh thoăn thoắt chui vào một ô ngủ của riêng mình, thích thú cười khanh khách khoe “thế giới riêng” của nó.
Khu Mả Lạng ngõ ngách dày đặc, sâu hun hút và ngoằn ngoèo như mê cung. Các lối đi đều chật chội, thiếu ánh sáng. Người dân phải để xe máy trước hiên vì nhà chỉ đủ chỗ cho người ngồi. Cách nhà bà Hồng vài căn, “mái ấm”của bà Nguyễn Thị Diệu (55 tuổi) chỉ rộng chừng 10m2 nhưng có phần tươm tất hơn vì nhà tường, nền lót gạch men.
Gia đình bà Diệu cũng có tới 9 người cùng sinh sống. “Hai con gái có chồng rồi nhưng cũng khó khăn nên xin về ở chung. Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu, nên tôi đùm bọc hết”, bà Diệu nói. Tuy bà đã cơi nới thêm hai cái gác nhưng cả gia đình khi ngủ đều phải nằm “khít khít, xếp cá mòi”.
“Không ít người ngưỡng mộ khi địa chỉ nhà mình ngay quận 1, giữa “đất vàng” xa hoa bậc nhất Sài thành. Nhưng mấy ai biết được nhà cửa tuềnh toàng thế này. Mang tiếng dân quận Nhất nhưng nói ra xấu hổ lắm” - bà Diệu giãi bày tâm sự.
Thèm một bữa cơm chung
Một bữa cơm có đầy đủ các thành viên là điều xa xỉ với các gia đình xóm hộp diêm. Ảnh: U.P |
Khu chợ Gà, chợ Gạo (phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1) không chỉ nổi tiếng khi cháy đến tận 3 lần, mà nơi đây còn có những căn nhà “siêu nhỏ, siêu mỏng” đến khó tin. Nhà bà Thạch Thị Văn Sa Minh (66 tuổi, số 3/26 khu chợ Gạo) chiều ngang 1 mét, dài 2 mét với 10 người ở.
Tầng trệt là nơi ở của bà Minh, con gái và cháu trai 2 tuổi. Người tầng trên muốn nói chuyện với người tầng dưới thì thò đầu xuống. Nhà vệ sinh kiêm nơi tắm giặt chỉ vừa một người đứng.
“Đây là nhà tình thương, mới đây phường Cầu Ông Lãnh cho tiền sửa chữa nên trông đỡ đỡ hơn chút, chứ trước kia xập xệ lắm” - bà Minh bộc bạch. Nói rồi bà cười khoe hai hàm đã rụng gần hết răng, nói rằng hàng chục năm ở đây, hiếm khi nào có thể nằm duỗi thẳng chân hoặc vung tay thoải mái.
“Buổi tối ngủ toàn nằm nghiêng mới đủ chỗ đó, nhiều lúc không dám trở mình vì nhà chật chội quá. Lâu dần cũng quen chứ không thấy khó khăn gì” - bà Minh cho hay.
Bà Trần Thị Hoa (72 tuổi) tận dụng diện tích căn nhà 3m2 của mình bán các loại lá sâm, lá xông. Trong căn nhà chất lỉnh kỉnh rau lá, túi nilon, còn một khoảng nhỏ vừa đủ ngả lưng.
Bà Hoa ngại ngùng chỉ tay về bậc thềm trước nhà mời tôi ngồi, còn bà ngồi mép cửa trò chuyện. Theo lời bà Hoa, căn nhà đã nhiều năm chưa từng có khách đến thăm bởi “làm gì có chỗ mời khách ngồi”.
“Tôi lấy chồng rồi về đây ở đã hơn 50 năm. Nhà có thêm cái gác nhỏ làm chỗ ở cho gia đình con trai. Các con chỉ về buổi chiều tối nên nhà tuy nhỏ nhưng vẫn đủ chỗ ngủ cho tất cả các thành viên” - bà Hoa cười hiền lành nói.
Tại khu vực này, mọi sinh hoạt của các gia đình đều diễn ra trước cửa nhà. Nấu ăn ngoài đường, ăn uống ngoài đường, giặt giũ ngoài đường rồi xe cũng để ngoài đường. Điểm chung của các hộ dân nơi đây đều tận dụng vách tường để treo mắc đồ đạc, nhằm tiết kiệm tối đa diện tích. Nhà nào cũng có cái gác xép hẹp đến nỗi vừa leo lên là chỉ còn cách trườn mình bò vào trong. Người lớn muốn đứng lên cũng khó.
Theo bà Phạm Thị Liên, Trưởng khu phố 1, phường Cầu Ông Lãnh (Quận 1), địa phương luôn nâng cao ý thức về PCCC và an ninh trật tự trong khu phố. Người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các tổ liên gia để cùng chăm sóc, quan tâm và giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi hữu sự.
Đa số người dân khu chợ Gà, chợ Gạo cho biết, nhiều năm sinh sống ở đây đã quen dần với chuyện nóng nực, chật chội, thiếu tiện nghi ở trung tâm thành phố.
Tất nhiên, không thể nói đã quen thì không thấy chật, không thấy bức bối nữa, nhưng về cơ bản, những người dân nơi đây không có lựa chọn khác ngoài việc thích nghi.
Bà Như Nguyệt (64 tuổi, ngụ 21 Võ Văn Kiệt, Quận 1) thường phải ngồi thu lu trong căn nhà bịt bùng 5m2, chiếc quạt máy chạy hết công suất không đủ xua cái nóng tháng 7.
“Lắm lúc muốn ăn một bữa cơm có đầy đủ các thành viên cũng khó lắm. Cơm nấu ở nhà, còn thức ăn mua bên ngoài. Đến bữa ăn, mỗi người bưng tô cơm rồi ra vỉa hè ngồi. Nhà nào cũng ăn chia ca, ngủ chia không gian sống như vậy” - bà Nguyệt nói.
(còn tiếp)
Theo Uyên Phương (TPO)