Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam, đồng thời tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi toà nhà chung cư hơn so với tỉ lệ tối đa 30% hiện nay.
Việc kinh doanh căn hộ du lịch được nhìn nhận vẫn phải phụ thuộc vào chủ đầu tư dự án. Ảnh: Cẩm Văn |
Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo Cục Phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện Luật Nhà ở chỉ cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ để ở chứ chưa cho phép sở hữu căn hộ để kinh doanh. Nhu cầu sở hữu căn hộ kinh doanh là có, và nhu cầu này ngày càng tăng trong một vài năm trở lại đây. “Đây mới chỉ là đề xuất từ phía Bộ Xây dựng khi nhận được tiếp thu, phản ánh từ các địa phương và doanh nghiệp về vấn đề này” - vị này khẳng định.
Mới đây, trong văn bản gửi lên Chính phủ và Bộ Xây dựng kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc cho phép cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng không phải là nhà ở như BĐS du lịch sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc BĐS này và vẫn có thể quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục mua BĐS của người nước ngoài tương tự như quy định đối với nhà ở. VNREA đã kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh BĐS theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua các BĐS khác không phải là nhà ở. Bổ sung vào Luật Kinh doanh BĐS quy định về điều kiện mua, thuê mua, thuê các loại BĐS không phải nhà ở của cá nhân nước ngoài.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc sửa luật Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch là giải pháp để thúc đẩy thị trường BĐS, nhất là BĐS du lịch sau tác hại nặng nề của dịch COVID-19. Ông Đính khẳng định, hiện nay luật pháp Việt Nam chỉ quy định cho phép người nước ngoài mua căn hộ để ở chứ chưa cho phép người nước ngoài mua căn hộ để kinh doanh.
Thận trọng để tránh phát sinh phức tạp
Khi được hỏi về việc mở ra quy định cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch để kinh doanh liệu có lo ngại về an ninh, quốc phòng như trường hợp người Trung Quốc núp bóng, lách luật mua đất tại Đà Nẵng, ông Đính khẳng định, việc sở hữu căn hộ du lịch để kinh doanh khác hoàn toàn với việc tổ chức ngước ngoài thuê đất. “Các dự án du lịch nghỉ dưỡng là đất thuê có thời hạn. Kinh doanh căn hộ du lịch vẫn phải phụ thuộc vào chủ đầu tư dự án, người nước ngoài chỉ mua căn hộ để được chia lợi nhuận, hoặc họ có tự cho thuê thì cũng phụ thuộc vào quy định của chủ đầu tư. Việc này, chủ đầu tư dự án hoàn toàn kiểm soát nên không cần lo lắng quá chuyện này” - ông Đính nói.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam: chúng ta nên xem việc bán nhà cho người nước ngoài như là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ. Chúng ta muốn kêu gọi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì chúng ta phải tạo điều kiện cho họ dễ dàng sở hữu nhà ở là điều rất quan trọng. Việc thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS du lịch Việt Nam được đánh giá là sẽ mang lại những lợi ích thiết thực như góp phần làm thị trường BĐS du lịch tăng trưởng và thanh khoản tốt hơn, giúp tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và nền kinh tế; thúc đẩy sự đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.
“Về việc mở tỉ lệ 30% hay 50% thật sự không quá quan trọng theo quản điểm của tôi’ - ông Khương nói. Việc cho người nước ngoài mua công trình xây dựng không phải là nhà ở như BĐS du lịch sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc BĐS này mà vẫn có thể quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục mua BĐS của người nước ngoài, tương tự như quy định đối với nhà ở. Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định về quyền mua BĐS của người nước ngoài, nên theo kinh nghiệm của các nước quy định loại trừ những loại BĐS mà người nước ngoài không được sở hữu bao gồm các nhóm sản phẩm có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Cũng liên quan đến đề xuất cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch và tăng tỉ lệ căn hộ được mua, Luật sư Nguyễn Thanh Nhã - Văn phòng luật sư DBS cho rằng, người nước ngoài với nguồn vốn lớn thường không thật sự hứng thú với các sản phẩm ở phân trung cấp và bình dân như người Việt. Chính vì vậy, cần thay đổi tư duy rằng bán nhà cho người nước ngoài là mất nhà cho người Việt bởi sản phẩm hướng đến của hai nhóm khách hàng là khác nhau. Dưới sự quy định chặt chẽ về tỉ lệ sở hữu nhà của người nước ngoài, do nhu cầu lớn, lâu nay nhiều người vẫn tìm cách lách luật với nhiều cách thức khác nhau, tạo ra sự kém minh bạch của thị trường.
Chính vì vậy, việc “nới room” cho người nước ngoài sẽ góp phần tăng tính thanh khoản tuy nhiên nếu nới lỏng quy định này phải được cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng. Cần nghiên cứu hết sức cẩn trọng trước khi quyết định tăng tỉ lệ mua nhà của người nước ngoài ở Việt Nam bởi điều này có khả năng kéo theo nhiều tác động phức tạp về mặt an sinh, xã hội. Việt Nam cần có sự điều chỉnh phù hợp cả về kinh tế, an ninh, chính trị và xã hội.
THÔNG CHÍ - BẢO CHƯƠNG (LĐO)