Người Chu Ru quần cư giữa triền thấp nhất của miền cao Tây Nguyên và họ có số phận đặc biệt. Những ngôi nhà bên triền đồi, dưới tán cổ thụ tỏa bóng, mặt trông về cánh đồng kéo tận chân núi. Họ sống yên bình và an hòa như tính cách của chủ nhân miền sơn cước, vẫn ăn “lộc rừng”, hưởng quả ngọt từ đất và luôn biết gìn giữ những giá trị tinh túy, nguyên sơ cho dân tộc mình.
Cả đời gắn bó với chiếc gùi
Bản Pré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng chào tháng 12 bằng những cơn sương lạnh se sắt. Mùi cà phê nồng say tỏa ra từ sân phơi cho tới nương rẫy, nhịp sống bận rộn mùa cà phê cuốn trai gái trong làng mải miết lên nương, cặm cụi với từng hạt ngọc “trời ban”. Các ngôi nhà trong bản Pré cửa đóng then cài, duy chỉ còn thấp thoáng bóng dáng các cụ già ở lại hun nóng căn bếp lửa giữa những ngày đông giá rét của xứ non thiêng.
Hễ ai một lần tới Pré đều không quên ghé thăm già làng Ya Hiêng, một biểu tượng về tinh thần, văn hóa ở miền sơn cước. Già Ya Hiêng là một nghệ nhân am tường văn hóa bản địa và có đôi tay “phù thủy” với những chiếc gùi của đồng bào Chu Ru bản Pré.
Vợ chồng nghệ nhân Ya Hiêng chăm chút từng đường đan của chiếc gùi. |
69 mùa rẫy sống cùng bà con dân tộc Chu Ru thì già Ya Hiêng có hơn 50 năm làm gùi. Già bén duyên với chiếc gùi từ năm lên 8 tuổi. Ngày đó, cậu bé Ya Hiêng cùng bố thường vào rừng chọn tre về làm gùi. Chặt che, chọn cây, vót thanh là những công đoạn đầu tiên của một chiếc gùi, nói thì đơn giản nhưng bên trong đó là cả một kho tàng kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật đan lát mà không phải ai cũng nắm và hiểu trọn vẹn về nó.
12 tuổi, Ya Hiêng đã biết đan một chiếc gùi thành thục. Tình yêu của cậu bé đổ dồn vào chiếc gùi, mê đắm với nó mà vượt qua được tất cả trở ngại thuở mới học nghề. “Sản phẩm đầu tay của tôi chỉ là những chiếc gùi nhỏ xíu, mỏng lét, tôi cứ tháo ra đan lại mãi mới thành, nhiều lúc phải trốn bố để đan”, già Ya Hiêng hồi tưởng lại ngày xa xưa khi mới bén duyên với nghề đan gùi. Không chỉ đan gùi giỏi mà ông còn cày bừa, làm rẫy, vào rừng sâu hái thuốc... Ông làm tất cả công việc của một chàng trai sơn cước, mạnh mẽ với đất, dũng mãnh với rừng. Nhưng, lạ thay, thứ ông yêu thích nhất vẫn là việc đan gùi. Ông đan khéo và giỏi nhất làng khiến nhiều cô gái mê mệt ông và ông được quyền chọn lựa ý trung nhân của đời mình.
Người Chu Ru theo truyền thống mẫu hệ, con cái kết duyên hoàn toàn do bố mẹ hai bên quyết định, sau lễ “bắt vợ” dù là vợ chồng nhưng cũng xem là người xa lạ, có thể trước đó chưa gặp bao giờ. Nhưng, nhờ chiếc gùi mà chuyện tình của Ya Hiêng đẹp tựa cổ tích. Từng ngày trôi qua, tình yêu được gắn chặt khăng khít tựa mỗi lát đan của chiếc gùi với cô gái Ma Bin. Đôi trẻ cùng nhau đan, mỗi người một công đoạn cho tới khi hoàn thành trọn vẹn một tác phẩm. Quay sang âu yếm nhìn vợ, già Ya Hiêng chia sẻ: “Tôi chặt tre, vợ vót, rồi cả hai cũng cặm cụi đan từ cái này đến cái khác, cũng vì thế vợ chồng tôi rất hiếm khi cãi nhau”.
Nghe chồng khen, bà Ma Bin ngồi bên mỉm cười hạnh phúc: “Nếu không có chiếc gùi thì chúng tôi chẳng biết, chẳng hiểu gì về nhau. Từ khi về ở chung thấy Ya Hiêng giỏi đan gùi, giỏi làm rẫy thì tôi ấn tượng, tôi yêu ông ấy nhiều hơn”.
Thời trai trẻ, đan gùi chỉ như công việc nông nhàn và chiếc gùi cũng chỉ dùng trong những lúc lên rẫy hái cà phê hoặc vào rừng tìm lá thuốc. Sau khi có vợ con, cảm thấy trách nhiệm gánh vác gia đình nặng nề nên nghệ nhân Ya Hiêng chú trọng vào việc đan gùi để bán, vì thế các thao tác cũng như kỹ thuật được ông tập trung hướng tới. Đan gùi trở thành nghề kiếm kế sinh nhai, là chiếc “cần câu cơm” của gia đình ông Ya Hiêng.
Lưu giữ giá trị truyền thống
Một số người cao tuổi ở bản Pré vẫn hay kể cho nhau về một truyền thuyết. Thuở xưa, khi ông bà vào rừng làm rẫy, nhìn thấy cây tre ra quả, từ quả của nó mọc ra một cái gùi xinh đẹp. Từ đó người dân biết làm gùi để dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Đây chính là lý giải về sự ra đời của chiếc gùi, cũng là minh chứng cho sự tài hoa của người Chu Ru.
Trong văn hóa của người Chu Ru, gùi có vai trò rất quan trọng, điển hình trong lao động sản xuất có một số lễ nghi như: Lễ cúng rừng trước khi phát rẫy, lễ dọn rẫy, cưới, thăm hỏi người thân,... Đặc biệt vào ngày lễ lúa mới, bắt đầu vào tháng 3 dương lịch lúc đó người dân trong làng tụ tập lên nương rẫy, đeo gùi cùng nhau múa hát, đánh chiêng để tạ ơn trời đất vì đã cho gạo, cho mùa màng bội thu...
Để đan một chiếc gùi phải trải qua nhiều công đoạn như: Chọn tre, chẻ tre thành đoạn lớn, phơi, chẻ mỏng tre thành kích cỡ mong muốn, mảnh nhỏ sau đó vót trơn bề mặt mỗi thanh tre, cuối cùng là đan và trang trí. Tre phải phơi nắng trong vòng một tháng để loại bỏ được những thanh bị héo, dễ bị mục.
Già Ya Hiêng mang sứ mệnh lưu giữ và truyền dạy nghề đan gùi cho đồng bào Chu Ru ở bản Pré. |
Tre, mây dùng đan gùi cũng phải được chọn lựa kĩ càng, nếu tre non quá nó sẽ mềm, héo, dùng một thời gian các nan tre sẽ co lại, làm đường nan không khít, dễ mục, nhanh hỏng. Tre già quá thì bị cứng, giòn không làm được, tre đủ tiêu chuẩn phải ở mức 4-5 tuổi. Phần đế gùi cũng rất quan trọng, gỗ cóc chính là nguyên liệu để làm phần đáy, theo ông Ya Hiêng, dùng gỗ cóc rừng vì nó có đặc tính dẻo, mềm, bóng, dễ làm.
Đan gùi quan trọng là phần đáy, đây cũng chính là phần khó đan nhất, người đan phải vững tay nghề để có thể gò cong phần đáy. Mỗi đường nan cũng phải kéo thật chặt để không bị hở. Làm ra mỗi cái gùi mất rất nhiều thời gian. Do vậy, hiện nay loại gùi nan nhỏ, có trang trí được bán với giá 3 triệu đồng/cái, loại gùi to hơn, nan lớn hơn dùng để lên rẫy, bỏ đồ ăn có giá từ 500-600 ngàn đồng/cái.
Những chiếc gùi sẽ theo chủ đến cuối đời, có những cái có tuổi thọ đến 100 năm. Lúc đó những chiếc gùi sẽ có màu đỏ cũ, các đường nan bết lại như sự mạnh mẽ, kiên cường của họ. Theo phong tục người Chu Ru khi chôn cất người qua đời, chiếc gùi của họ sẽ được bồi táng cùng.
Với người Chu Ru, chiếc gùi là biểu trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Nhà nào giàu chứng tỏ gia chủ đảm đang, khéo léo, biết đan lát. Những nhà không tự làm được, muốn có gùi thì phải đổi bằng tiền, gạo, gà hay làm mướn để đổi. Việc đan gùi không mang tính ép buộc, truyền dạy mà do con cái bắt chước từ bố mẹ, mà tự học như một cách noi gương.
Có nhiều loại gùi khác nhau, tùy theo kích cỡ, độ tuổi người dùng và công dụng. Thông thường, những người trẻ sẽ đeo những chiếc gùi nhỏ, xinh xắn, những người trưởng thành sẽ chủ yếu sử dụng những chiếc gùi lớn, nan tre lớn hơn. Loại gùi quý nhất với người Chu Ru được gọi với tên “Goh Sơ Là” là những chiếc gùi nhỏ nhắn, được trang trí bắt mắt. Mặt sau đính 3 bông hoa nhỏ làm bằng len, gọi là “M’Ta Cơ Trơu” - nghĩa là mắt bồ câu, với ý nghĩa mang đến sự đẹp đẽ, may mắn.
Chiếc gùi là nét văn hóa truyền đời của người Chu Ru. |
Nghệ nhân Ya Hiêng cho biết: “Mỗi chiếc gùi nan nhỏ thông thường phải làm nửa tháng mới xong, loại gùi dùng để mang cơm, lên rẫy cũng phải mất cả tuần. Đan gùi không những là lao động tay chân mà còn rèn luyện khả năng chịu đựng, sự kiên nhẫn của mình. Vót một thanh tre mất cả 5-10 phút, mà phải vót biết bao nhiêu thanh mới đủ để đan một chiếc gùi”.
Nghệ nhân Ya Hiêng luôn suy nghĩ về việc duy trì nghề đan lát của đồng bào mình, ông sợ một ngày nào đó nghề này sẽ mai một đi. Không những đan lát mà cả những điệu múa, những bài cồng chiêng, các lễ nghi truyền thống của ông cha. Ông rất vui khi nhiều người trẻ trong làng nay đã tìm hiểu, học đan lát qua các lớp học do ông hướng dẫn, đó chính là tương lai, là “đường sống” của nghệ thuật đan lát Chu Ru.
Trời chiều sẫm tối bởi sương giăng nặng hạt, già Ya Hiêng chậm rãi thắp ngọn đèn dầu trước sân, mặc thêm tấm áo ấm rồi tiếp tục cuốn mình vào chiếc gùi còn dang dở. Phía sau ông, bà Ma Bin cũng đang đắm mình vào từng đường đan, đôi tay thoăn thoắt kéo những thanh tre cho thật khít. Đôi mắt của người nghệ nhân tinh anh và sáng rực trước một tác phẩm truyền đời của đồng bào mình. Giờ thì việc đan gùi với già Ya Hiêng không còn là công cuộc mưu sinh hay vì miếng cơm manh áo nữa, mà là tình yêu, sứ mệnh của người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống cho tộc người của mình.
Ngọc Hoa - Hòa Long (cand.com.vn)