Trong hồi ký “Vết son thời gian” (Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai xuất bản năm 1999), hơn một lần, các cựu tù Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) nhắc đến vở kịch “Trần Bình Trọng” từng được công diễn trong khuôn viên “địa ngục trần gian” này dịp Tết năm 1967. Đêm diễn ấy là tiếng lòng sâu lắng của những người yêu nước, là cái tát thẳng vào mặt những kẻ làm tay sai cho giặc. Đỉnh điểm vở tuồng chính là hành động phi thường của tướng quân Trần Bình Trọng (diễn viên Võ Sĩ Thừa thủ vai) khi bị địch bắt và mua chuộc bằng cách mời rượu. Ông đã đứng lên đá văng ly rượu rồi chỉ vào mặt tên phản bội Trần Lộng mà thét lớn: “Chưa giết hết chúng bay, rượu làm sao… uống được!”.
Hiếm người không biết đến nhân vật Trần Bình Trọng với câu nói nổi tiếng trước kẻ thù láng giềng hung hãn, xảo quyệt: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Khí phách kiên cường của vị tướng đời Trần ấy từ lâu đã trở thành một tượng đài bất khuất trong lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, hành trình đi tìm tác phẩm “Trần Bình Trọng” của cựu tù Nguyễn Kim Hùng lại thật không dễ.
Bìa cuốn sách “Non sông gọi” xuất bản năm 1983. Ảnh: N.Q.T |
Ông Nguyễn Kim Hùng qua đời năm 1983. Dù rất kiên nhẫn nhưng nhiều khi tôi nghĩ mình đã tuyệt vọng. Đến một ngày, tôi chụp tất cả những thông tin liên quan gửi cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ-nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nhờ anh giúp đỡ. Thật may mắn, anh Vũ đã tìm ra manh mối là nhân chứng sống. Tôi đáp xe đò về quê hương của kịch tác giả Nguyễn Kim Hùng ngay trong đêm.
Được sự cho phép của người thân cố tác giả Nguyễn Kim Hùng, tôi tận mắt thấy cuốn sách “Non sông gọi” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghĩa Bình xuất bản năm 1983. Sách dày gần 100 trang, khổ 13 x 19 cm. Ruột sách là loại giấy đen thường thấy trong giai đoạn này. Quan trọng hơn, trên đó có in 2 kịch bản văn học của cựu tù Trại giam tù binh Pleiku Nguyễn Kim Hùng. Ngoài lời giới thiệu đầu sách của bậc lão thành trong hoạt động, nghiên cứu sân khấu Hoàng Châu Ký (6 trang) viết vào dịp mùng 2-9-1983, phần tiếp theo, các kịch bản “Trần Bình Trọng” và “Trần Quốc Toản” có số trang bằng nhau (40 trang).
Vở kịch thứ nhất, các nhân vật được chia thành 2 phe. Còn bối cảnh vở kịch thứ 2 xảy ra vào mùa xuân năm 1285, gồm các nhân vật: Trần Nhân Tông, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Trần Quang Xưởng, Lý Mẫu, Hoàng Lão, Kim Chi, Lão Mai, em Sơn, bà Lão, em Lâm, Lê Vũ, Sài Thung và một số người khác.
Điểm chung của 2 văn bản này là dựa trên cốt truyện lịch sử có thật, tác giả Nguyễn Kim Hùng đã hư cấu thêm một cách hợp lý, khiến các tác phẩm trở nên đẹp đẽ, hấp dẫn. Đặt sự xuất hiện của 2 kịch bản văn học này trong bối cảnh ngục tù trước 1975, sẽ thấy tác động từ những tác phẩm này hết sức lớn. Không chỉ khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đây còn là những lời hiệu triệu, động viên, là niềm tin sắt son vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc, dù kẻ thù có bạo tàn, xảo quyệt đến mấy.
Trong quá trình tìm tư liệu liên quan, tôi được biết, ngoài sáng tác kịch bản tuồng, người chiến sĩ cách mạng kiên cường ở Trại giam tù binh Pleiku và ngục tù Phú Quốc Nguyễn Kim Hùng còn là diễn viên tuồng (vở diễn năm 1967 tại Pleiku, ông đóng vai tướng giặc Ô Mã Nhi). Ngoài 2 tác phẩm “Trần Bình Trọng”, “Trần Quốc Toản” nêu trên, ông còn là cha đẻ của các vở “Xô Viết Nghệ Tĩnh”, “Khởi nghĩa Ba Tơ”, “Nợ máu”…