Phóng sự - Ký sự

Vén màn bí ẩn Thủy tùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nước ta đang sở hữu một loại báu vật cổ xưa duy nhất có trên toàn cầu, đó là 2 quần thể thủy tùng tự nhiên tuyệt đẹp, cực kỳ quý giá ở tỉnh Đắk Lắk. Sau hơn nửa thế kỷ rơi vào trạng thái vô sinh, lứa Thủy tùng đầu tiên được nhân giống bằng phương pháp đặc biệt đã sinh trưởng nhanh bất ngờ, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho đất nước...
 
Cán bộ nhân viên BQL KBT với cây Thủy tùng 700 năm tuổi ở Ea Ran
Ðộc nhất vô nhị
Theo các chuyên gia sinh học quốc tế, cây Thủy tùng hoặc Thông nước thuộc họ Bụt mọc, được xem như loài hoá thạch sống của ngành Hạt trần, xuất hiện cùng thời với Bách xanh cổ cách đây khoảng 10 triệu năm.
Trên thế giới, Thủy tùng chỉ có một số cây mọc rải rác ở Quảng Đông - Trung Quốc và Khăm Muộn - Lào. Việt Nam là nước thứ ba được phát hiện có Thủy tùng, nhưng là nước duy nhất có cả quần thể Thủy tùng tự nhiên, tại 2 huyện Krông Năng, Ea H’leo phía Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk.
 
Tượng gỗ Thủy tùng vớt từ đầm lầy tại nhà anh Hân
Vì rất hiếm, nên Thủy tùng được chính quyền bảo vệ từng cây. Sách đỏ thế giới và sách đỏ Việt Nam đều đặt Thủy tùng vào tình trạng nguy cấp. Nghị định 32/2006/NĐCP xếp Thủy tùng vào nhóm IA: Nghiêm cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Đáng tiếc, tất cả những cây Thủy tùng đã phát hiện đều không còn khả năng sinh sản. Đắk Lắk nay chỉ còn 161 cây Thủy tùng, quần thể Ea Ral - Ea H’Leo 140 cây, quần thể Trấp Ksơr - Krông Năng 21 cây. Trong đó có 4 cây lẻ loi ngoài khu dân cư, được Ban quản lý Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (BQL KBT) thuê các hộ dân trông coi, “lương bảo vệ” mỗi tháng 1 triệu đồng/cây. 
Hơn 20 năm trước, việc đắp đập thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã “hồn nhiên” làm nước dâng ngập cả hai quần thể Thủy tùng này, khiến nhiều cây chết, nhiều cây bị ủi đổ chìm sâu vào lòng hồ và đầm lầy. Tới khi biết được độ quý vô giá và vẻ đẹp huyền ảo của nó, người ta mới đua nhau vét hồ khai thác gỗ.
Ngâm càng lâu trong bùn lầy, các loại gỗ khác hoai mục, riêng gỗ Thủy tùng càng trở nên rắn chắc, nổi vân óng ả, màu xanh thẫm lại, đẹp đằm thắm. Đã có lúc thị trường cả nước sôi sục trào lưu chơi hàng mỹ nghệ Thủy tùng, sốt giá từ các loại tượng lớn nhỏ cho đến độc bình thon cao đủ cỡ, nguyên liệu đều từ hai vùng đầm lầy này trôi đi.
Tay chơi Thủy tùng “khủng” nhất mà tôi từng gặp là anh Hân (PV đổi tên) - một doanh nhân thành đạt ở gần huyện Krông Năng. Đến nhà anh, ai cũng choáng ngợp trước hàng trăm mặt hàng Thủy tùng tinh xảo đủ cỡ, nào tượng Phật ngồi nguyên khối đường kính đế gần 2 mét; Những bộ phản Thủy tùng dày rộng thênh thang; Đôi độc bình khổng lồ cao tới 3,2 mét cùng được chế tác từ một thân Thủy tùng đồ sộ. Hân cho biết thời Thủy tùng còn chưa lên “cơn sốt”, anh đã mua một vùng ruộng lớn gần đầm Trấp Ksơr và tha hồ trục vớt những thân độc bình cổ thụ từ sình lầy lên, thuê thợ giỏi đến chế tác ròng rã từ năm này sang năm khác ra các mặt hàng độc bản này.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn xác nhận anh Hân nói đúng. Có người khẳng định: Nhiều mặt hàng độc nhất vô nhị ở nhà anh Hân xứng đáng kỷ lục Guiness thế giới về kích cỡ Thủy tùng, vì đâu ai có mà đua? 
Gian nan tái sinh
Hàng nghìn nhà khoa học trên khắp thế giới từ lâu đã tập trung nghiên cứu, tìm cách nhân giống những loài cây quý có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có hàng chục loài lá kim, hạt trần. Điển hình, như đề tài nghiên cứu về thông 5 lá “để bổ sung tập đoàn cây trồng rừng kinh tế tại Lâm Đồng”, mà Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã nhân giống hữu tính thành công.
 
Thủy tùng tự nhiên với mật độ dày đặc ở đầm lầy Ea Ran, huyện Ea H’Leo
Tuy nhiên, hành trình nhân giống Thủy tùng khó gấp nhiều lần, do thông 5 lá vẫn còn cây mẹ có hạt hữu thụ, hom giâm đúng kỹ thuật vẫn sinh trưởng tốt. Còn với loài Thủy tùng, cây “trẻ” nhất  Việt Nam mọc ở đầm lầy Ea Ran cũng đã hơn 50 tuổi, nghĩa là nửa thế kỷ qua loài cây này đã rơi vào trạng thái vô sinh. Cây vẫn ra hoa kết quả và có hạt, nhưng tất cả hạt đều lép. Hàng chục nhà nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cặm cụi mày mò cả chục năm trời, xới tung kho tài liệu rất ít ỏi bằng tiếng Anh, tiếng Trung, không thấy bất cứ một đề tài nhân giống Thủy tùng nào thành công. 
Lo ngại quần thể cây quý ngày càng già lão, tàn lụi mà không có thế hệ mới thế chỗ, sau thời gian dài miệt mài thử nghiệm phương pháp ghép chồi Thủy tùng trên gốc Bụt mọc, năm 2011 kỹ sư lâm nghiệp Trần Vinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài Thủy tùng tại Việt Nam”.
Tại cả 2 vùng đầm lầy Ea Ral và Trấp Ksơr, năm 2017 phóng viên Tiền Phong tận thấy những hàng Thủy tùng ghép trên gốc Bụt mọc đã được TS Trần Vinh - Viện phó Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn cán bộ nhân viên cách trồng, đang phát triển tươi tốt. Cạnh đó, là những cây Thủy tùng vươn cao sau khi được ghép chồi vào “mắt” các khối u lô nhô nổi trên mặt nước, mà từ chuyên môn gọi là rễ thở của Thủy tùng, từ sáng kiến độc đáo của anh Võ Thành Tám, Trưởng trạm Ea Ral. So sánh hiệu quả 2 cách ghép, thì thấy tốc độ phát triển của cây gần như ngang nhau.
 
TS Trần Vinh đưa tác giả đi xem Thủy tùng trồng ở huyện Lắk
TS Trần Vinh cho biết cách nhân giống Thủy tùng nào cũng có những hạn chế nhất định. Ông đánh giá cao sáng kiến ghép chồi trên rễ thở của anh Tám. Tuy nhiên Thủy tùng được tạo từ rễ thở phải gắn liền với cây mẹ, không thể tách rời hay di chuyển, nên có thể bị ảnh hưởng khi cây mẹ già chết. Và cấu tạo rễ thở vốn xốp, mềm, nhẹ, liệu có đỡ nổi cấu trúc gỗ cứng, nặng của cây Thủy tùng ghép khi cây trưởng thành, là những vấn đề cần tiếp tục theo dõi. Còn cách nhân giống của ông, thì khó khăn đầu tiên là hạt giống Bụt mọc. Loài Bụt mọc ở nước ta khả năng sinh sản cũng đã rất yếu, nên để có hạt Bụt mọc gieo ươm, ông phải nhờ một người bạn nước ngoài chuyển về, thủ tục rất khó khăn.
Và dù hàng trăm cây Thủy tùng ghép theo phương pháp của ông đã được trồng thử nghiệm nhiều nơi tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng đang phát triển tốt, ông vẫn lưu ý về việc cần xem chất lượng gỗ của cây ghép này có gì khác Thủy tùng nguyên chủng!
Mới đây, tôi lại có dịp cùng TS Trần Vinh vào huyện Lắk để xem Thủy tùng sinh trưởng tại nơi trước đây không có quần thể cây này. Anh Phạm Xuân Hào, nông dân thôn Sân bay xã Bông Krang huyện Lắk là người đã được TS Vinh giao cho 50 cây Thủy tùng non và hướng dẫn cách trồng đưa chúng tôi đến thăm những hàng Thủy tùng mọc ven hồ. Tới nay còn tổng cộng 35 cây sống khỏe. Trong đó 2 cây trồng từ năm 2013 trong sân nhà anh Hào cao hơn 10 mét, đường kính thân khoảng 30cm. Anh Hào tin loài cây quý này nếu được đầu tư trồng rừng lấy gỗ sẽ rất có lợi, giá trị cực lớn mà công chăm sóc chẳng bao nhiêu.
Trong vườn nhà TS Trần Vinh, có cây Thủy tùng do ông ghép đợt đầu tiên năm 2012, mới 10 tuổi mà đường kính thân đã lên tới nửa mét. Chỉ cho tôi xem ảnh vài cặp độc bình chuốt thử nghiệm từ một vài cây Thủy tùng 6-7 tuổi “nhà trồng” bị bão quật gãy, vân gỗ và màu sắc cũng nổi đẹp như Thủy tùng tự nhiên, ông cẩn trọng cho biết chất lượng gỗ thế này thì tốt rồi. Tuy nhiên đến khi nào cây ra được hạt hữu thụ, thì mới có thể gọi là thật sự thành công về mặt nhân giống, mới có khả năng tạo ra quần thể Thủy tùng tự nhiên như trước. 
Nên đầu tư thành điểm tham quan sinh thái
TS Trần Vinh: Nhà nước cần có Dự án bảo tồn loài Thủy tùng với quy mô đủ lớn, để có đủ kinh phí cho các hoạt động liên quan như: nhân giống, mở rộng diện tích trồng, bảo tồn cá thể hiện có, hạ thấp mực nước trong khu phân bố. Đăc biệt đầu tư hạ tầng để biến 2 quần thể Thủy tùng độc đáo hiện nay thành điểm tham quan sinh thái, huy động được thêm nguồn lực để bảo tồn được loài cây này, nâng cao thu nhập cho những người làm công tác bảo tồn, tạo thêm lợi ích đáng kể cho địa phương.
.

Hoàng Thiên Nga (TP)

Có thể bạn quan tâm