Sức khỏe

Vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với sự nỗ lực của ngành Y tế Gia Lai cùng hệ thống chính trị và người dân cả nước, đến nay, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống xã hội đã trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Tại Gia Lai, theo số liệu từ ngành Y tế, trong tháng 5 vừa qua, số ca mắc mới giảm rất sâu, đặc biệt là toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong do Covid-19. Những ngày qua, cả tỉnh chỉ có khoảng 20 ca mắc Covid-19 điều trị tại bệnh viện với triệu chứng nhẹ. Trong một thời gian dài, toàn tỉnh duy trì ở cấp độ 1 (mức bình thường mới); 17/17 huyện, thị xã, thành phố với 220/220 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 1.
Để đạt được kết quả đó, suốt hơn 2 năm qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác phòng-chống dịch Covid-19. Ngoài việc triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, tỉnh ta đã kịp thời, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương cũng như huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia phòng-chống dịch. Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ chúng ta ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19 là nhờ công tác tiêm chủng vắc xin được triển khai kịp thời, rộng khắp. Theo số liệu từ Sở Y tế, tính đến ngày 30-5, toàn tỉnh đã tiêm 2.727.586 liều vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong đó, tiêm mũi 1 đạt 104,02%, mũi 2 đạt 97,6% và mũi 3 đạt 72,79%. Đối với đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 105,09%, mũi 2 đạt 94,97%. Riêng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 48%.
 
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi tăng cường cho người dân tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: Bá Bính
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi tăng cường cho người dân tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: Bá Bính
Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, công tác phòng-chống dịch Covid-19 vẫn đang đối diện với một số khó khăn, thách thức. Đó là tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 mới chỉ đạt 72,79%. Nguyên nhân khách quan do quy định về khoảng thời gian giữa mũi 2 và mũi 3 lên đến 3 tháng. Bên cạnh đó, đặc thù địa bàn rộng, địa hình phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêm chủng. Về nguyên nhân chủ quan, do dịch bệnh được kiểm soát nên một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, trong đó, không ít người từ chối tiêm vắc xin mũi 3. Ngoài những khó khăn nảy sinh từ công tác tiêm chủng, hiện nay, nhận thức của người dân về việc phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19 (hậu Covid-19) vẫn còn hạn chế.
Để thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng và đẩy lùi đại dịch Covid-19, Bộ Y tế liên tiếp tổ chức 2 hội nghị rất quan trọng. Theo đó, chiều 31-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị tập huấn tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và tự chăm sóc một số bệnh có liên quan sau mắc Covid-19. Tiếp đến, sáng 1-6, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương nhằm kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Các địa phương phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện ngay trong quý II-2022.
Ngày 29-5 vừa qua, UBND tỉnh có Công văn số 1086/UBND-KGVX yêu cầu hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong quý II-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng lưu ý: Đối với các nơi tiêm chủng chậm thì cần điều ngay lực lượng hỗ trợ để tiêm nhanh nhất có thể; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận và tiêm chủng các mũi tiếp theo (mũi 3, mũi 4) kịp thời, đầy đủ.
Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và người dân không nên chủ quan, lơ là. Bên cạnh công tác điều trị, giải quyết vấn đề hậu Covid-19 thì ngành Y tế và hệ thống chính trị các địa phương trong tỉnh cần tập trung rà soát, tuyên truyền, vận động người dân tự giác tiêm vắc xin để hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm