Kinh tế

Giá cả thị trường

Vì sao Bộ Công thương không muốn đấu thầu hạn ngạch gạo?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Báo cáo với Chính phủ lý do đề xuất của Bộ Tài chính về việc đấu thấu hạn ngạch gạo là không khả thi, Bộ Công thương cho rằng điều này không chỉ trái với chỉ đạo của Thủ tướng mà còn thiết lập trở lại cơ chế xin - cho rất nhiều rủi ro đạo đức.
 
Sau nhiều ngày neo dưới sông chờ đợi, một sà lan gạo đã được cập cảng Mỹ Thới (tỉnh An Giang) để chuyển gạo lên đóng container chờ xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong báo cáo gởi Chính phủ về việc vì sao Bộ Công thương không tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính khi bộ này đề nghị phương án đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch gạo cho cơ chế điều hành xuất khẩu gạo đang gây tranh cãi, Bộ Công thương cho rằng đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền "là việc không nên làm".
Chưa kể, đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
"Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo", bộ Công thương lý giải.
Song song đó, quan điểm của Bộ Công thương thấy việc đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. 
Thậm chí, không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.
Riêng cơ chế phân bổ hạn ngạch mà Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công thương cũng thấy không khả thi bởi "kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho "công bằng" và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi", thậm chí "phải trình lại Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau".
Và như vậy, quá trình này, theo Bộ Công thương, không chỉ trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo", mà còn thiết lập trở lại cơ chế xin - cho rất nhiều rủi ro đạo đức đã được xóa bỏ theo kiến nghị kiên trì nhiều năm của cộng đồng doanh nghiệp.
Trần Vũ Nghi (TTO)

Có thể bạn quan tâm