Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan từ các nơi vào trong nước, Campuchia đã đề nghị ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn qua đường biên giới.
Kiểm soát nhập khẩu trái phép lợn sống
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (thuộc Bộ Công Thương Việt Nam) mới đây khuyến cáo: Cần lưu ý xuất khẩu lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn theo đường chính ngạch.
Khuyến cáo này dành cho các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (nếu có) trên tuyến biên giới Việt Nam với Campuchia.
Đồng thời phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và chuẩn bị đầy đủ giấy phép kiểm dịch động vật.
Thương nhân thu mua lợn từ người dân. Ảnh I.T |
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Campuchia vào khoảng 7.000-8.000 con/ngày (loại 60 kg/con).
Trong khi đó, nguồn cung trong nước của Campuchia chỉ có thể đáp ứng 6.000 con/ngày. Vì thế, Campuchia cần nhập khẩu thêm khoảng hơn 1.000 con/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tư thương Campuchia thường nhập khẩu lợn sống, chủ yếu từ các nước láng giềng như Việt Nam và Thái Lan.
Tuy nhiên, thương nhân Campuchia chủ yếu nhập khẩu lợn sống và thịt lợn theo hình thức tiểu ngạch.
Việc nhập khẩu tiểu ngạch này nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, và không phải xin các giấy chứng nhận kiểm dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng 2 nước.
Đây là nguyên nhân khiến Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia lo lắng nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm từ các nước láng giềng vào trong nước.
Trước đó, ngày 19/05, nhật báo Phnompenh Post (Campuchia) dẫn lời ông Veng Sakhon - Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, kêu gọi các tỉnh giáp biên giới của Campuchia ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép lợn sống, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào trong nước.
Theo ông Bộ trưởng Veng Sakhon, hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp tục lan rộng ở các nước châu Á; bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Cùng với đó là việc cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ một xe tải chở gần 100 con lợn nhập khẩu bất hợp pháp ở tỉnh Tbong Khmum.
Nguồn cung trong nước của Campuchia chỉ có thể đáp ứng 6.000 con/ngày. Vì thế, Campuchia cần nhập khẩu thêm khoảng hơn 1.000 con/ngày. |
Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia lo ngại, giá lợn hơi ở Việt Nam đang giảm. Không loại trừ nguy cơ những kẻ cơ hội có thể cố gắng nhập khẩu và phân phối bất hợp pháp lợn sống vào Campuchia.
Để góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các nước láng giềng, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đề nghị chính quyền các tỉnh biên giới có biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.
Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia cho biết: Việc này nhằm bảo vệ người chăn nuôi lợn, đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn của đàn lợn, thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Sắp có vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại
Tại Việt Nam, hiện Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang là một số tỉnh chăn nuôi lợn có biên giới tiếp giáp với Campuchia.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Việt Nam đợt đầu tiên và lan rộng trên cả nước vào ngày 19/2/2019. Tình hình dịch tả lợn châu Phi đến nay vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát.
Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Long An. Ảnh IT |
Mới đây nhất, giữa tháng 5/2021, tại xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn Châu Phi ở một hộ chăn nuôi.
Sở NNPTNT Bình Phước đã ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Bù Đăng thực hiện ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo quy định. Đồng thời hướng dẫn các biện pháp chống dịch, không để dịch tiếp tục phát sinh và lây lan.
Báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, có 718 ổ dịch tại 162 huyện của 37 tỉnh, thành phố, với số lợn buộc phải tiêu hủy trên 36.000 con.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, nhìn chung, dịch bệnh chỉ xảy ra ở các hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn lợn.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn lợn. |
Cuối năm 2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 27,3 triệu con, bằng gần 87% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
Hiện cả nước đã xây dựng thành công 116 cơ sở và chuỗi chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh đối với dịch tả lợn châu Phi
Ngay sau khi Mỹ công bố kết quả nghiên cứu, chọn lọc được chủng virus để sản xuất vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y cùng với các doanh nghiệp chủ động hợp tác với Mỹ để tiếp nhận chủng giống, tổ chức nghiên cứu, đánh giá an toàn, hiệu lực của vaccine.
Bộ NNPTNT đang hoàn thiện việc kiểm nghiệm và dự kiến triển khai khảo nghiệm trong tháng 5/2021. Nếu mọi điều kiện thuận lợi thì cuối quý II và đầu quý III sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại để phục vụ cho phát triển chăn nuôi trong nước. |
Theo Trần Khánh (Dân Việt)