Kinh tế

Vì sao giá vàng tăng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong vòng 10 năm qua giá vàng tăng gấp 5 lần và vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại: Trên 1.300 USD/ounce vào ngày 28-9-2010. Nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm và có thể đạt tới mốc 1.450-1.500USD/ounce vào năm 2011. Có chuyên gia còn khẳng định rằng, nếu tính tới tỷ lệ lạm phát, trong vài năm tới giá vàng có thể lên tới 2.250 USD/ounce.
Tổng hợp các dữ liệu phân tích thị trường, có thể thấy các nhân tố tác động tới giá vàng thế giới như sau:
Kinh tế tại các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới phục hồi chậm hơn so với mong đợi của các Chính phủ. Tại Mỹ: Tốc độ tăng trưởng quý II chỉ ở mức 1,7% so với 3,7 % của quý I và quý IV năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại ngày càng tăng vẫn là bài toán chưa có lời giải. Với kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế đã giảm “nóng”, nhưng lạm phát lại có dấu hiệu gia tăng, nguy cơ vỡ “bong bóng” bất động sản có thể xảy ra. Thiên tai ở nước này cũng là nguyên nhân tác động đưa lạm phát lên cao. Ở châu Âu: Nợ công bùng phát và lạm phát một lần nữa lại trở thành vấn đề lớn cần giải quyết, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng từ 1,4% trong tháng 6 lên 1,7% trong tháng 7.
Cảnh mua bán ở một tiệm vàng tại TP. Pleiku. Ảnh: N.G
Cảnh mua bán ở một tiệm vàng Vĩnh Thạnh tại TP. Pleiku. Ảnh: N.G
Lạm phát tại Hy Lạp có tỷ lệ cao nhất với 5,5% và tại các nước khác thuộc khu vực Eurozone như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Phần Lan lạm phát đã tăng từ 0,9% lên tới 1% do tác động của sự gia tăng thuế VAT. Lạm phát lên cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone. Nhật Bản cũng đang vật lộn với hai vấn đề nan giải, đó là nợ công và đồng yên lên giá. Các tranh chấp tiền tệ ngày càng leo thang và lan rộng trên phạm vi toàn cầu khi các nước thi nhau làm yếu đồng nội tệ để tạo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của nước mình làm cho các mâu thuẫn kinh tế giữa các nước càng trở nên gay gắt hơn. Trong bối cảnh rủi ro tăng lên như vậy, các nhà đầu tư đã chọn vàng là kênh đầu tư an toàn cho đồng vốn của mình. GFMS-công ty tư vấn tại London, ước tính rằng đầu tư vào vàng trong năm 2010 sẽ tăng 10,5% so với năm 2009.
Tổng lượng vàng dành cho đầu tư có thể lên tới 2.091 tấn tương đương khoảng một nửa tổng lượng vàng trên thị trường thế giới. Nhu cầu vàng của thế giới trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2010 ở mức cao nhất trong nhiều năm, yếu tố nhu cầu từ Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ quan trọng.  
Bên cạnh yếu tố chính sách, yếu tố đầu cơ tổ chức cũng đưa vàng lên mức cao như hiện nay, Quỹ đầu tư vàng SPDR vẫn mua vào với mức cao khi dự trữ vàng của họ ở mức xấp xỉ 1.300 tấn, mức gần kỷ lục. Commerzbank cũng cho thấy các nhà tạo lập thị trường đã gia tăng các trạng thái mua của họ trong năm tuần liên tiếp tính đến 24-8. Đây là mức mua mạnh kể từ cuối tháng 6 trở lại đây.
Ảnh: N.G
Ảnh: N.G
Chính phủ Trung Quốc hiện đang cố gắng đa dạng dự trữ quốc gia ra khỏi tài sản đồng USD bằng cách mua vàng vật chất, từ chính hoạt động sản xuất của nước này làm cho nguồn cung trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng.

Theo chuyên gia Sam Stovall của S&P, yếu tố cung-cầu vàng đang thay đổi. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2008, GFMS tính toán rằng sản lượng vàng trên toàn cầu giảm 0,8%. Chuyên gia Sam Stovall dự báo tình hình sản xuất vàng sẽ vẫn trì trệ trong vài năm tới bởi sản lượng từ các mỏ cũ hết và chưa tìm được nguồn mới thay thế. Các nước sản xuất vàng lớn như Nam Phi và Mali gặp nhiều trục trặc trong khai thác vàng và bạch kim. Sản lượng của các nước Tây Phi giảm 9% trong năm 2007. Khi nhu cầu ngày một tăng, chênh lệch cung-cầu ngày một lớn. Và theo US Global Investos, yếu tố mùa vụ đóng vai trò quan trọng. Tháng 9 thường đánh dấu thời gian khởi đầu của khoảng thời gian nhu cầu vàng tăng vọt. Khoảng thời gian đó đã bắt đầu sớm hơn trong năm 2010 với ngày lễ Ramadan của người đạo Hồi, mùa cưới tại Ấn Độ, ngày lễ hội Ánh sáng (Diwali) tại Ấn Độ, sau đó đến kỳ nghỉ Giáng sinh. Tháng 9 thông thường là tháng tăng trưởng yếu của đồng USD, yếu tố này cũng đóng góp không nhỏ vào việc giá vàng tăng mạnh.
Trái với thời kỳ những năm 1990 khi các Ngân hàng Trung ương đồng ý bán vàng ra để tăng cung vàng nhằm kiềm chế giá vàng tăng, thì hiện tại, nhiều Ngân hàng Trung ương đang mua vàng vào để dự trữ trong tình huống đồng USD đang mất giá. Cần phải kể đến yếu tố văn hóa trong việc giá vàng tăng không ngừng suốt 10 năm qua. Cụm từ “quý như vàng” phổ biến trong rất nhiều ngôn ngữ. Dù bạch kim quý hiếm hơn vàng nhưng rất khó để tìm thấy mỏ bạch kim nào lớn trên thế giới và sản lượng bạch kim chỉ tương đương chưa đầy 10% tổng sản lượng vàng. Giá bạch kim chịu sự chi phối chủ yếu của yếu tố cung cầu cũng như nhiều kim loại khác. Vàng cũng là đơn vị tiền tệ phổ biến trên khắp thế giới suốt hơn 2.500 năm qua và đóng vai trò quan trọng trong mọi nền văn hóa và tôn giáo.
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơ chế điều hành xuất nhập vàng và yếu tố đầu cơ trong nước nên hiện nay giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới từ 10% đến 15%.
Hải Sơn

Có thể bạn quan tâm