Lý giải về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp đầu mối cho biết, giá xăng dầu trong nước liên quan đến giá dầu thô thế giới, rồi từ giá dầu thô qua chế biến sẽ ra giá xăng dầu thành phẩm của thị trường Singapore.
Hiện giá xăng dầu của Việt Nam có sự liên thông chặt chẽ nhất với giá xăng dầu của thị trường Singapore vì nhập khẩu trực tiếp từ đó, không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá dầu thô thế giới. Chính vì vậy, khi giá thế giới có sự tăng giảm, giá trong nước sẽ biến động theo tương ứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giá dầu thô thế giới giảm nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn có thể tăng bởi vì biến động muộn hơn giá dầu thô khoảng 30 ngày, chưa kể cơ quan quản lý dùng các công cụ thuế phí theo từng giai đoạn để điều chỉnh mức tác động với thị trường trong nước.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam - cho biết, Việt Nam có công thức tính giá xăng dầu chu kỳ 10 ngày/lần và trong chuỗi 10 ngày này, có 8 ngày giá dầu lên, nhưng chỉ có 2 ngày giá dầu giảm. Như vậy, cơ quan quản lý vẫn phải cộng giá tất cả các ngày lại rồi chia bình quân 10 ngày để ra giá bán lẻ xăng dầu. Nếu giá dầu vẫn tăng so với trước kỳ điều hành thì sẽ được áp vào công thức để tính giá.
Theo ông Bảo, hiện giá xăng dầu trong nước không phải phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu thô thế giới nên có trường hợp giá dầu thô thế giới giảm, giá trong nước không nhất thiết phải giảm theo.
Giá xăng dầu trong nước vừa có lần tăng thứ 5 liên tiếp. |
"Cơ quan quản lý sẽ dựa vào giá xăng dầu thành phẩm nhập từ Singapore để điều hành giá trong nước, đưa vào công thức tính giá cơ sở xem chênh lệch bao nhiêu rồi điều chỉnh tăng giảm, sau khi đã trích lập hay chi quỹ bình ổn", ông Bảo cho hay.
Theo ghi nhận trên thị trường thế giới, trong tuần qua giá dầu WTI và Brent đều giảm 2%, phá vỡ chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, bình quân 10 ngày qua, giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore giữa kỳ điều hành giá ngày 11/8 và ngày 21/8 có xu hướng tăng. Cụ thể, 102,7 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 3,1 USD/thùng so với kỳ trước); 108,3 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,1 USD/thùng); 116,5 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,6 USD/thùng); 116,7 USD/thùng dầu diesel (giảm 0,365 USD/thùng); 544,3 USD/tấn dầu mazut (giảm 4 USD/tấn).
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như lo ngại xoay quanh hoạt động kinh tế yếu của Trung Quốc, sự tăng giá của đồng USD, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, Trung Quốc sử dụng dầu dự trữ để ngăn chặn việc OPEC+ cắt giảm nguồn nhằm đẩy giá dầu đi lên… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 11/8 - 20/8 có biến động tăng giảm đan xen.
Vì vậy, ở kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quyết định không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng. Phương án điều hành giá xăng dầu tăng như trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.