Phóng sự - Ký sự

Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Doanh nghiệp được giao giữ rừng thì… bán rừng, bỏ lơ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng. Để mất rừng, doanh nghiệp tư nhân còn được trả thêm tiền tỉ “dịch vụ môi trường rừng”...

Những điều không tưởng đó, là một phần nguyên nhân dẫn đến rừng bị “thảm sát” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.


Công ty giữ rừng... bán rừng

Năm 2016, UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định giao hơn 162 ha rừng và đất rừng (trong đó có 156 ha rừng thông, nằm dọc QL28, ở xã Quảng Sơn, H.Đắk G’long) cho Công ty Nguyên Vũ để quản lý khai thác nhựa thông, trồng bơ, trồng và chăm sóc rừng trồng.

Công ty Nguyên Vũ do bà Nguyễn Thị Kim Thoa (vợ đại tá Lương Ngọc Lếp, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, nghỉ hưu năm 2017) làm giám đốc. Chỉ trong một thời gian ngắn được giao đất, công ty này đã để xảy ra tình trạng rừng thông bị “phá trắng” và diện tích lớn đất rừng bị xâm chiếm, mua bán trái phép tràn lan.


 

 Rừng thông UBND tỉnh giao cho Công ty Nguyên Vũ quản lý bị “thảm sát” chết hàng loạt. Ảnh: Thanh Quân
Rừng thông UBND tỉnh giao cho Công ty Nguyên Vũ quản lý bị “thảm sát” chết hàng loạt. Ảnh: Thanh Quân



Đáng nói nhất, một cán bộ của công ty - ông Nguyễn Thành Nghĩa khi đó được bà Thoa ủy quyền điều hành công ty - đã cắt đất rừng bán cho nhiều hộ dân. Cụ thể, ông Nghĩa bán cho hộ ông Lê Đình T. (ở xã Quảng Sơn) 0,5 ha với giá 200 triệu đồng vào năm 2017; bán cho ông Lương Hữu D. (ở xã Quảng Sơn) 1 ha với giá 300 triệu đồng, cũng năm 2017.

Ngoài ra, Công ty Nguyên Vũ đã để người dân dựng nhà hàng loạt trên đất rừng tại xã Quảng Sơn. Diện tích rừng bị “thảm sát” gần 40 ha, trong đó phần lớn bị phá, ken cây, vạt vỏ đổ hóa chất cho cây chết, lấn chiếm đất sử dụng vào mục đích khác.

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông sau khi vào cuộc đã thu thập được 7 biên bản kiểm tra của UBND xã Quảng Sơn đối với 7 hộ dân nhận chuyển nhượng đất trái phép trên lâm phần của Công ty Nguyên Vũ. Ngoài ra, có 11 hộ dân khác đã lấn chiếm đất của Công ty Nguyên Vũ để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp. Công ty này chưa nộp hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; chậm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; chưa kiện toàn ban chỉ huy thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng; chưa thực hiện trồng cây bơ, chưa trồng rừng diện tích 1,11 ha theo quy hoạch của dự án…

Trước những sai phạm của Công ty Nguyên Vũ, tháng 12.2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích hơn 162 ha trước đó từng giao Công ty Nguyên Vũ, để giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, bảo vệ. Nguyên nhân thu hồi đất là do Công ty Nguyên Vũ đã vi phạm pháp luật trong lĩnh vực về đất đai, quản lý và bảo vệ rừng.

Bức xúc nữa là, sau khi thu hồi toàn bộ diện tích, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở NN-PTNT yêu cầu Công ty Nguyên Vũ phải bồi thường thiệt hại đối với diện tích gần 40 ha rừng đã bị mất; xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục hậu quả, đền bù rừng bị mất vẫn… nằm trên giấy!
Để mất rừng, còn được trả thêm tiền tỉ !?

Khi để xảy ra mất rừng với diện tích lớn, hầu hết các công ty lâm nghiệp đều “bình an vô sự”. Đây chính là thực trạng đáng buồn trong công cuộc giữ rừng tại tỉnh Đắk Nông và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến rừng bị mất liên tục, diễn ra thời gian dài nhưng hầu như việc ngăn chặn thì bỏ ngỏ.

 

Nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép trên phần đất rừng tại xã Quảng Sơn, H.Đắk G’long được giao cho Công ty TNHH thương mại Đỉnh Nghệ - một trong số 37 doanh nghiệp được tỉnh Đắk Nông giao rừng. Ảnh: Thanh Quân
Nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép trên phần đất rừng tại xã Quảng Sơn, H.Đắk G’long được giao cho Công ty TNHH thương mại Đỉnh Nghệ - một trong số 37 doanh nghiệp được tỉnh Đắk Nông giao rừng. Ảnh: Thanh Quân

Năm 2007, Công ty TNHH Hoàng Ba (Công ty Hoàng Ba) đã làm các thủ tục xin thuê 1.045 ha đất rừng tại tiểu khu 1522 (xã Quảng Trực, H.Tuy Đức) để thực hiện dự án trồng cao su và rừng nguyên liệu. Trong tổng số 1.045 ha, Công ty Hoàng Ba được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho thuê, quản lý bảo vệ diện tích hơn 683 ha, trồng cao su 326 ha và trồng rừng 29 ha; xây dựng cơ sở hạ tầng 4 ha tại tiểu khu 1522. Tổng số vốn đầu tư dự án hơn 117 tỉ đồng, thời gian thuê đất là 50 năm tính từ ngày có quyết định cho thuê đất.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, đến tháng 2.2018, các cơ quan chức năng xác định Công ty Hoàng Ba đã làm mất hơn 320/683 ha rừng được giao quản lý bảo vệ; 280 ha trồng cao su và 29 ha trồng rừng công ty không thực hiện được; hơn 97 ha rừng chưa được chuyển đổi. Tổng thiệt hại về rừng chỉ riêng dự án được Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông xác định là trên 46 tỉ đồng.

Theo hồ sơ của PV Thanh Niên, từ năm 2009 - 2018, Công ty Hoàng Ba đã để người dân lấn chiếm diện tích hơn 574/1.045 ha đất được giao. Tuy rừng bị mất với số lượng lớn nhưng doanh nghiệp, Hạt Kiểm lâm H.Tuy Đức, UBND xã Quảng Trực, Ban lâm nghiệp xã Quảng Trực không cập nhật diễn biến, không lập biên bản vi phạm hành chính.

Oái oăm là, từ năm 2013 - 2018, Công ty Hoàng Ba còn được chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 2 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp này chỉ rút tiền mặt sử dụng, không có chứng từ chi và hạch toán kế toán, không có chứng từ chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, Công ty Hoàng Ba đã kê khai diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng không đúng thực tế diện tích rừng tại dự án của công ty, với tổng số tiền hơn 241 triệu đồng.

Trước những sai phạm của Công ty Hoàng Ba, cuối năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi diện tích đất, rừng đã giao cho công ty này. Tuy nhiên, đến lúc thu hồi thì đã có hơn 320 ha rừng tự nhiên đã mất trắng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, cho rằng khi giao rừng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân, do các doanh nghiệp không có năng lực về kinh tế và năng lực về nhân sự để thực hiện dự án. Nhiều doanh nghiệp đã buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng mất rừng.

Tuy nhiên, khi PV Thanh Niên đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý và việc bồi thường tài nguyên rừng đã mất, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông không trả lời. PV Thanh Niên cũng đã nhiều lần liên hệ lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông để có câu trả lời về việc buông lỏng quản lý để rừng bị mất, nhưng lãnh đạo cơ quan này đều né tránh trách nhiệm thông tin cho báo chí.

(còn tiếp)


Rừng ngã xuống, điểm nóng “mọc” lên

Toàn tỉnh Đắk Nông có 38 dự án sản xuất nông, lâm nghiệp được UBND tỉnh giao cho 37 doanh nghiệp thuê, với tổng diện tích hơn 30.000 ha đất rừng và rừng. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả triển khai các dự án không cao. Một số dự án để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, có hiện tượng sang nhượng mua bán trái phép dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, năm 2021, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tuy có giảm so với những năm trước nhưng diện tích rừng bị mất vẫn ở mức cao. Cụ thể, năm 2021 đã phát hiện và xử lý 532 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp. Trong đó, phá rừng trái pháp luật 324 vụ (diện tích thiệt hại 77,4 ha), lấn chiếm rừng 2 vụ (diện tích gần 0,6 ha), khai thác rừng trái phép 53 vụ (khối lượng hơn 108 m3 gỗ các loại), vi phạm quy định về phòng chống cháy rừng 6 vụ (diện tích hơn 0,4 ha).


Theo THANH QUÂN (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm