Sức khỏe

Vì sao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt thấp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tính đến đầu tháng 8-2023, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh Gia Lai được tiêm chủng mở rộng (TCMR) chỉ đạt 31,9%. Do thiếu vắc xin nên Gia Lai khó đạt chỉ tiêu trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ trong năm 2023.

Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Công tác TCMR đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do nguồn vắc xin cấp phát cho chương trình TCMR bị thiếu so với nhu cầu, chủ yếu là các loại vắc xin như: DPT-VGB-HIB (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib); DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván); sởi; IPV (bại liệt); sởi-rubella.

Bên cạnh đó, trẻ thường theo bố mẹ lên rẫy nên tỷ lệ bỏ mũi cao hoặc tiêm muộn. Một số sản phụ thường sinh tại nhà nên mũi tiêm viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh rất khó thực hiện. Mặt khác, nhiều gia đình chưa thật sự quan tâm đến tiêm chủng cho con em, chưa hiểu hết lợi ích của việc tiêm chủng để phòng bệnh. Ngoài ra, cán bộ chuyên trách TCMR do nhu cầu công việc nên có sự thay đổi từ đó ảnh hưởng đến công tác quản lý chương trình. Mạng lưới y tế tại xã, phường, thị trấn không đảm bảo nên rất khó cho việc điều tra và quản lý đối tượng.

Tính đến đầu tháng 8-2023, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ trong chương trình TCMR chỉ đạt 31,9%. Ảnh: Như Nguyện

Tính đến đầu tháng 8-2023, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ trong chương trình TCMR chỉ đạt 31,9%. Ảnh: Như Nguyện

Tại huyện Ia Grai, từ đầu năm đến nay, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều chỉ đạt 33,8%. Theo Trung tâm Y tế huyện, cùng với việc thiếu vắc xin, trên địa bàn còn một bộ phận người dân đi rừng, ngủ rẫy rất khó tiếp cận vận động đưa con đến tiêm chủng. Để đạt các chỉ tiêu đề ra trong công tác TCMR, theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ngân Văn Thư, trước hết, cần cung ứng vắc xin kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng và vận động người dân tham gia tiêm chủng. Đồng thời, ngành Y tế tổ chức điểm tiêm chủng lưu động để tạo thuận lợi cho người dân.

Tại huyện Chư Sê, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 30,5%. Ông Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Trung tâm Y tế phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông về lợi ích tiêm chủng. Cùng với việc rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch tiêm và triển khai tiêm vét đối tượng sót tại các trạm y tế xã, Trung tâm còn tăng cường các điểm tiêm chủng ngoại trạm để tiêm vét.

Huyện Ia Pa là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi thấp nhất toàn tỉnh (chỉ đạt 23% tính từ đầu năm đến nay). Theo ông Huỳnh Ngọc Thiên- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, tỷ lệ một số mũi tiêm chưa đạt, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vắc xin SII (5 trong 1: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi đạt thấp vì nguồn vắc xin hạn chế. Người dân đi lại nhiều lần nhưng không được tiêm như mong muốn dẫn đến ngại đến vào định kỳ lần sau để thực hiện các mũi tiêm vắc xin khác.

“Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường các giải pháp nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu: nâng cao nhận thức của cộng đồng trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em trong chương trình TCMR và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đủ liều cho trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai được tiêm uốn ván đầy đủ”-ông Thiên thông tin.

Để chương trình TCMR đạt chỉ tiêu đề ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiến nghị Chương trình TCMR quốc gia tiếp tục cung ứng vắc xin, sổ sách biểu mẫu, thống kê báo cáo, tranh ảnh truyền thông; có kế hoạch cấp phát tủ đá, tủ lạnh, vật tư thay thế để đảm bảo 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã có đủ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hoạt động tốt. Hàng năm, tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên giám sát, kiểm tra, hướng dẫn cán bộ tham gia tiêm chủng việc quản lý đối tượng, quản lý vắc xin, báo cáo kết quả trong tiêm chủng và sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Có thể bạn quan tâm