Vị trí của cơn đau đầu cảnh báo bệnh gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phải mọi cơn đau đầu đều như nhau. Các thống kê cho thấy có đến hơn 150 loại đau đầu. Tuy nhiên, hầu hết trong số chúng là hiếm gặp.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock
Cơn đau xuất hiện ở một số vùng đầu nhất định có thể tương ứng với những nguyên nhân và vấn đề sức khỏe khác nhau.
Đau ở trán và thái dương
Đây là dấu hiệu của đau đầu do căng thẳng. Thông thường, những cơn đau nhẹ sẽ xuất hiện ở trán và 2 bên thái dương. Một số trường hợp còn bị đau cứng ở cổ, vai và lưng trên, theo MSN.
Với những cơn đau này , các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay acetaminophen sẽ có hiệu quả tốt.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể hồi phục. Xoa bóp trán cũng có thể giúp thuyên giảm cơn đau.
Nhức đầu xoang
Nếu bạn cảm thấy căng và đau ở vùng mặt, đặc biệt là sau 2 mắt và mũi, thì đó có thể là nhức đầu xoang. Các vấn đề về xoang mũi sẽ gây ra dạng nhức đầu này.
Nếu bạn bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi, chảy nước mũi kèm theo nhức đầu thì hãy dùng các loại thuốc thông xoang, giảm nghẹt mũi hoặc thuốc chống dị ứng không kê đơn để giảm áp lực trong xoang. Trong trường hợp viêm xoang, người bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh, theo MSN.
Đau phía sau đầu hoặc đáy sọ
Đây là dấu hiệu của đau dây thần kinh chẩm. Bệnh xảy ra khi các dây thần kinh ở đốt sống cổ bị viêm hay kích thích. Hệ quả là gây ra những cơn đau ở sau gáy, hay còn gọi là đau vùng chẩm.
Cơn đau có thể lan dần đến mặt, thường là vùng má và trán. Cường độ đau có thể dữ dội, thường kéo dài từng đợt, mỗi đợt khoảng vài phút. Xoa bóp, thuốc giãn cơ và thuốc kháng viêm có thể giúp giảm những cơn đau dạng này.
Đau cổ và đầu
Các đốt sống ở xương sọ, cổ bị tổn thương hay lệch vị trí sẽ gây ra những cơn đau khó chịu ở cổ và đầu. Nguyên nhân có thể rất đa dạng từ thoát vị đĩa đệm, hẹp ống xương sống đến chấn thương. Tất cả tình trạng này đều gây chèn ép dây thần kinh và kích hoạt cơn đau, theo MSN.
Dù cơn đau có ở vị trị nào trên đầu thì người bệnh cũng cần đến khám bác sĩ khi bị đau dai dẳng, tái đi tái lại thường xuyên, đau ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến công việc cũng như các hoạt động thường ngày, các chuyên gia khuyến cáo.
Ngọc Quý (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm