Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

'Viết & Đọc' chuyên đề mùa Đông: Chuyện chưa biết về nhà văn Lê Lựu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyên đề mùa Đông dành nhiều không gian để tưởng nhớ nhà văn Lê Lựu thông qua những trang viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Yên Ba, cùng nhiều tranh của các họa sỹ Thành Chương, Đức Phạm.

Đây là ấn phẩm của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ra mắt mỗi quý một lần. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây là ấn phẩm của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ra mắt mỗi quý một lần. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt ấn phẩm “Viết & Đọc” chuyên đề mùa Đông 2022, “gói” lại những câu chuyện văn chương năm cũ để “sửa soạn” tinh thần tươi mới đón mùa Xuân đang về.

Chuyên đề mùa Đông dành nhiều không gian để tưởng nhớ nhà văn Lê Lựu (12/12/1938-9/11/2022) thông qua những trang viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Theo lời Ban biên tập chuyên đề, ít người viết về tác giả của “Thời xa vắng” một cách thông minh, chính xác như Trần Đăng Khoa.

"Cặp đôi nhà văn-nhà thơ này cùng quê Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên), lại cùng làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Họ trọng nhau vì tài, cùng đem đến cho văn đàn cũng như truyền thông nước nhà một sự 'tung hứng' đẹp đẽ, sang trọng về nghề văn. Họ nói về mình, nói về nhau, nói về văn chương một cách say mê mà cũng thành thực, không né tránh điều gì," trích lời Ban biên tập.

Trong sách, có đoạn nhà thơ đặt câu hỏi: “Có người bảo, nhân vật chính của ‘Thời xa vắng’ là Giang Minh Sài. Để Lê Lựu đóng thằng cu Sài là đúng nhất. Bác nghĩ sao?”


 

Ấn phẩm dành nhiều trang viết về nhà văn Lê Lựu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ấn phẩm dành nhiều trang viết về nhà văn Lê Lựu. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Nhà văn Lê Lựu trả lời: “Tôi thấy họ nói đúng quá. Tôi đóng thằng Sài thì sẽ đạt hơn bất cứ diễn viên nào. Vì tôi chính là thằng Sài. Chỉ có điều nếu tôi đóng thì sẽ chẳng có ma nào xem. Nghệ thuật có thể phản ánh sự nhem nhuốc, diễn tả sự nhem nhuốc, nhưng bản thân nghệ thuật không bao giờ là sự nhem nhuốc cả. Mà tôi thì lại nguyên là một khối nhem nhuốc khổng lồ.”

Đáng chú ý, chuyên đề mùa Đông lần đầu tiên công bố nội dung cuộc trò chuyện dài giữa nhà báo Yên Ba và nhà văn Lê Lựu năm 2002. Ở đó, nhà văn hé lộ nhiều ẩn ức về cuộc đời và nghiệp văn của ông.

Bạn đọc yêu văn chương cũng sẽ gặp lại nhà văn Lê Lựu qua tranh minh họa của họa sỹ Đức Phạm, Thành Chương và ảnh chụp do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long thực hiện.

Ngoài dung lượng về nhà văn Lê Lựu, cuốn sách dày 387 trang gồm nhiều chuyên mục thường xuyên như: Ấn tượng 90 ngày, Văn xuôi, Thơ, Tác giả trẻ, Đối thoại, Phê bình và tiểu luận, Các nhà thơ hải ngoại, Văn học nước ngoài, Tư liệu, Những người nổi tiếng thế giới và Ảnh tư liệu chân dung văn nghệ.

 

Ấn phẩm giới thiệu sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ấn phẩm giới thiệu sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ. (Ảnh: PV/Vietnam+)



Chuyên đề giới thiệu sáng tác của các nhà văn Cao Nguyệt Nguyên, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Dương Quốc Hải, Nguyễn Thị Minh Hoa và các nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, Văn Công Hùng, Phan Huyền Thư, Võ Sa Hà, Lê Thành Nghị, Mai Nam Thắng, Trần Quốc Thực, Trần Hồng Giang, Thái Hồng, Bùi Sĩ Hoa.

Các nhà văn, nhà thơ gửi gắm nhiều thông điệp trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Mỗi câu chuyện của họ là một tiếng nói thẳng thắn, đầy trách nhiệm về những sự kiện trong xã hội.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từ câu chuyện của Chủ tịch nước với thế hệ trẻ đến chuyện những đại biểu quốc hội cầm giấy đọc “ê a,” từ việc tôn vinh những danh nhân đất nước đến trái bóng lăn trên sân cỏ - tất cả đều chứa đựng một thông điệp của lương tri trực tiếp hoặc gián tiếp gửi tới người đọc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi những thông điệp lương tri đó là “tiếng nói từ những chiếc bình gốm” - âm thanh mà chúng ta có thể nghe được khi áp tai vào miệng bình.

“Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều có giọng nói của nó… Không có sự im lặng trong thế gian này. Nếu có một nơi nào im lặng thực sự thì đó chỉ là lòng người mà thôi. Mọi cái cây, mọi dòng sông, mọi đám mây, mọi đồ vật đều cất tiếng. Nhưng chúng ta không hề nghe thấy bởi hai lý do: Chúng ta không tin những đồ vật ấy có tiếng nói và chúng ta không có khả năng nghe được,” nhà thơ chia sẻ./.

Một sáng tác trong "Viết & Đọc" chuyên đề mùa Đông:

Rốt cuộc mùa cũng dâng lạnh

Chỉ tại người nói không còn nhớ

Cho Thu mưa

tầm tã…

mang theo cả những chiếc lá còn xanh

lìa cành

Chỉ tại người nói không còn nhớ

Gió dỗi hờn đi về phía mùa Đông

Bỏ hanh hao vương lại những con đường

không nắng

Tự hỏi lòng

Đã quên người chưa

Mây màu cũ trôi

Những câu thơ dang dở …

Ừ,

người chẳng còn nhớ

Gót thời gian nấn ná sao đành

Rốt cuộc,

mùa cũng phải đến quãng dâng lạnh

Ru tình vào lãng quên…

 

(Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu)

 

Theo Minh Thu (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm