Kinh tế

Nông nghiệp

Việt Nam chi 6 tỷ USD nhập 20,4 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, "ăn đong" đến bao giờ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thiếu hẳn một chiến lược phát triển bền vững nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nên mặc dù chiếm vị trí nhất nhì Đông Nam Á nhưng thực chất ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn là ngành gia công, ăn đong nguyên liệu của thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. (Ảnh: K.N)
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. (Ảnh: K.N)


Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cần có chiến lược phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để không phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó giữ giá gia cầm, giá lợn hơi ổn định, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, suốt 1 năm nay giá gia cầm luôn ở mức thấp dưới giá thành, khảo sát cho thấy giá bình quân nhiều mặt hàng trong tháng 6/2021 đã giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời điểm hiện nay, giá một số sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng, tuy nhiên mức tăng này chưa bù đủ với mức tăng của chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi.

 

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu. Trong ảnh: Vùng trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi ở Vĩnh Phúc. Ảnh: (Sở KHCN Vĩnh Phúc).
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu. Trong ảnh: Vùng trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi ở Vĩnh Phúc. Ảnh: (Sở KHCN Vĩnh Phúc).
Năm 2020, cả nước nhập 20,4 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với kim ngạch 6 tỷ USD. Trong đó nhiều mặt hàng nguyên liệu phải nhập khẩu 80 - 90%.

Vì vậy mới có hiện tượng dù giá gà thịt đang bắt đầu có dấu hiệu tăng từ 5 - 10% so với tháng 5 nhưng việc tái đàn của hộ chăn nuôi và doanh nghiệp vẫn đang cầm chừng vì giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao, giá sản phẩm bán ra không bù được chi phí đầu vào.

Về thực tế giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao, ông Nguyễn Thanh Sơn thừa nhận, đây là câu chuyện nóng hiện nay với ngành chăn nuôi.

Chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi đang tăng cao so với trước đây. Hiện, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30 - 35%, xu hướng còn tiếp tục tăng.

"Tại sao giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao như vậy? Vì phần lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của chúng ta phải nhập khẩu từ nước ngoài" - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, năm 2020, cả nước nhập 20,4 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với kim ngạch 6 tỷ USD.

Trong đó nhiều mặt hàng nguyên liệu phải nhập khẩu 80 - 90% nên khi giá nguyên liệu của thế giới biến động do mất mùa, giảm diện tích hay đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến giá thức ăn chăn nuôi của chúng ta tăng vọt.

Để cạnh tranh thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn phải giảm giá bán, dẫn đến chất lượng giảm.

"Nhiều doanh nghiệp của chúng tôi đã phản ánh chi phí tăng trọng 1kg sản xuất của gà tăng 20% về số lượng thức ăn. Điều đó chứng tỏ chất lượng thức ăn chăn nuôi có vấn đề" - ông Sơn nêu một thực tế.

Ông Sơn cho rằng, ở đây đang thiếu hẳn một chiến lược phát triển bền vững nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Mặc dù chiếm vị trí nhất nhì Đông Nam Á nhưng thực chất ngành chăn nuôi vẫn là ngành gia công, ăn đong nguyên liệu của thế giới.

"Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên có chiến lược phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc nhập khẩu như hiện nay" - ông Sơn khẳng định.

 

Hiện, quy định về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi chưa phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Việt Nam. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà siêu trứng của nông dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương). (Ảnh: N.C)
Hiện, quy định về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi chưa phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Việt Nam. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà siêu trứng của nông dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương). (Ảnh: N.C)


Cũng theo ông Sơn, thời gian qua, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng và 6 bộ ngành đề xuất 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Trước hết là tháo gỡ khó khăn về các văn bản pháp quy. Ông Sơn lấy ví dụ, Luật Chăn nuôi ban hành năm 2018, kèm theo là Nghị định 13 và hàng loạt thông tư của Bộ NNPTNT nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, do một số quy định trong luật và nghị định chưa phù hợp với thực tế, chưa đầy đủ. Ví dụ, một khái niệm bao trùm trong Luật Chăn nuôi và Nghị định 13 đó là khái niệm về khu dân cư, để quy định khu vực nào được chăn nuôi chưa rõ ràng nên doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lúng túng.

Trong Luật Chăn nuôi có đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, rất tiếc quy định trong luật lại chưa phù hợp với thực tiễn.

Đơn cử, theo quy định tại Nghị định 13 quy định mật độ chăn nuôi như sau: 1ha đất nông nghiệp quy đổi ra 500kg khối lượng sống của vật nuôi, như vậy có thể hiểu rằng 1ha đất nông nghiệp chỉ nuôi được 1 con trâu, 1 con bò.

Nếu áp theo quy định này thì nhiều địa phương, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long phải giảm tổng đàn gia súc gia cầm hiện nay, bởi không phù hợp thực tế Việt Nam.


 

https://danviet.vn/viet-nam-chi-6-ty-usd-nhap-204-trieu-tan-nguyen-lieu-thuc-an-chan-nuoi-an-dong-den-bao-gio-20210707202645702.htm

Theo Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm