Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tăng mạnh cả về giá trị và khối lượng. Ảnh: Hạ An
Qua dự báo, thế giới đang phải ứng phó với dịch COVID-19 nên nhiều nước đã tăng thu mua lúa gạo dự trữ. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam khi sản lượng và giá trị xuất khẩu (XK) gạo từ tháng 5 đến nay đang có những tín hiệu đầy lạc quan. Dự kiến Việt Nam có thể vượt Thái Lan để vươn lên đứng số 1 thế giới về xuất khẩu gạo ngay trong năm 2020.
Sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng tăng mạnh
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), ước tính, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỉ USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2019. Với lượng gạo xuất đi 750 nghìn tấn, XK gạo đã mang về 395 triệu USD trong tháng 5.
Giá XK gạo của Việt Nam trong tháng 5.2020 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4.2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước số liệu đầy lạc quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ ngày 1.5.2020, XK gạo tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại, hoạt động xuất khẩu gạo thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 3,7 triệu tấn.
Đặc biệt, từ ngày 4.6, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 475 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm 2012, so với mức 450-460 USD/tấn trong tuần trước đó. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá XK gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
Với mức giá này, giá gạo XK của Việt Nam đã chạm mức cao nhất trong hơn 8 năm. Đây là những con số đầy lạc quan trong bối cảnh Việt Nam vừa khống chế được dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh này đang ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới; bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tác động đến năng suất lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, năm 2020, dự kiến kế hoạch sản xuất lúa đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó, vụ đông xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn thóc và sẽ kết thúc thu hoạch trước 30.6.2020. Sau thắng lợi ở vụ Đông Xuân 2019-2020, hiện nay, tại Nam Bộ, vụ hè thu 2020 có tổng diện tích gieo trồng khoảng 1,628 triệu ha, sản lượng ước đạt gần 9,2 triệu tấn, tăng 44.000 tấn so với vụ hè thu 2019.
Để vượt Thái Lan, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành lúa gạo
Sau khi giành chiến thắng trong 5 năm liên tiếp, năm 2018 gạo Hom Mali (gạo Nhài) của Thái Lan đã phải nhường “ngôi vương” cho gạo thơm của Campuchia; cuối năm 2019, giống gạo ST25 của Việt Nam tại cuộc thi World’s Best Rice (Gạo Ngon nhất thế giới) do The Rice Trader tổ chức đã vượt qua gạo Thái Lan và Campuchia để đoạt danh hiệu đáng tự hào này.
Theo GS Võ Tòng Xuân, việc gạo ST25 của Việt Nam đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” mang đến cơ hội lớn hơn cho các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Với mức giá cạnh tranh và XK đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về XK gạo toàn cầu ngay trong năm nay.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam, Australia, Campuchia và Trung Quốc sẽ tăng trong năm 2021. Tuy nhiên, Thái Lan cũng đang phải chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo ông Lý Thái Hưng - Tổng Giám đốc Cty TNHH Hưng Cúc - một trong những DN xuất khẩu gạo hàng đầu tại miền Bắc, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn cao, trong khi nguồn cung hạn hẹp. 2 vụ thu hoạch của Việt Nam là Đông-Xuân và Hè-Thu đang cho kết quả tốt.
Trong khi đó, Thái Lan đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, sản lượng gạo của Thái Lan năm nay sẽ giảm tới 2,34 triệu tấn, tương đương 11,5%; đồng tiền của Thái Lan tăng giá khiến XK gạo của Thái Lan khó cạnh tranh khi tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu. Việt Nam không phải chịu những tác động này, nên cơ hội cho XK gạo của Việt Nam là rất lớn, Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan về số lượng gạo XK năm nay.
Trao đổi với PV Lao Động trưa 7.6, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - cho biết: Năm 2016, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Quyết định số 1898 về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến 2020, tầm nhìn 2030, chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, từ an ninh lương thực tới an toàn thực phẩm, gắn ngành lúa gạo với nhu cầu thị trường.
Trong những năm gần đây, diện tích trồng lúa chất lượng cao của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh. Cơ cấu giống lúa thơm, chất lượng cao trồng cho xuất khẩu tại ĐBSCL đến thời điểm này đã đạt tới gần 70% diện tích, chỉ còn chưa đến 20% là gạo chất lượng trung bình phục vụ chế biến trong nước (10% còn lại là nếp và gạo đặc sản-PV). So với giống lúa của Thái Lan, một số giống lúa của chúng ta đã đạt gần tương đương chất lượng gạo Jasmin và cao hơn nhiều giống lúa khác.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trong lúc này chúng ta cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo và phải bảo vệ, khẳng định được thương hiệu gạo đó. Dịch bệnh COVID-19 vừa qua là một phép thử, là điều kiện để chúng ta khẳng định được vị thế của chúng ta trên trường thế giới không chỉ gạo mà còn các mặt hàng khác, trong đó trọng tâm vẫn là lúa gạo. Vì vậy, đây là cơ hội tốt để chúng ta tập trung xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam.
Có được giống lúa tốt nhưng để có được chất lượng gạo tốt còn phụ thuộc vào nhiều khâu, trong đó có khâu thu mua, chế biến.
“Trong thời gian vừa qua, trong những lô hàng XK có nhiều lô hàng bị lẫn nhiều loại gạo, rất khó kiểm soát chất lượng. Trên thực tế, nếu kiểm soát tốt thì các giống lúa của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu XK, có thể tạo được các loại gạo XK tương đương của Thái Lan. Để bứt phá hơn nữa, các DN của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào xây dựng vùng nguyên liệu, công nghệ bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần và xây dựng thương hiệu” - ông Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
GS Võ Tòng Xuân cũng lưu ý: Để tận dụng các cơ hội, Việt Nam phải cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo một cách nhất quán và theo chuỗi sản xuất; cần hình thành một vùng nguyên liệu lớn để sản xuất một giống lúa nhất định, giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, phát triển sản xuất theo kế hoạch cụ thể và tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại gạo. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chất lượng gạo ngon không chỉ bởi giống lúa mà còn do quy trình thu hoạch, sấy, bảo quản, chế biến...; tăng cường ứng dụng công nghệ hỗ trợ và máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm gạo, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến, kho chứa... Đây là những khâu Việt Nam đang yếu và thiếu, cần đẩy mạnh đầu tư, xây dựng trong thời gian tới.
* Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK gạo đạt 1,4 tỉ USD, tăng 17,2% về giá trị và tăng 3,7% về lượng so cùng kỳ năm 2019. * Theo Bộ NNPTNT, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 40,5% thị phần. Hiện tại, Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm hàng năm vào quý III/2020. Bên cạnh đó, Bangladesh cũng đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan. |
PHONG NGUYỄN (LĐO)