Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Việt Nam đã chuẩn bị 3.000 giường bệnh cùng kịch bản ứng phó corona

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện các bệnh viện đã dành sẵn 3.000 giường bệnh cho bệnh nhân nhiễm virus corona (nCoV). Trong tình hình thực tế, Việt Nam cũng đã có kịch bản ứng phó phù hợp.
Dữ liệu: Lan Anh - Đồ họa: Tuấn Anh
Sau 3 ngày liên tiếp có tình trạng gia tăng bệnh nhân viêm phổi do virus corona mới tại Việt Nam, ngày 5-2 là ngày êm ả đầu tiên khi không có bệnh nhân mới.
"Chúng ta đã cách ly rất mạnh để phòng corona"
Tại cuộc họp báo chiều 5-2 do Bộ Y tế chủ trì tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Khánh Hòa, địa phương đầu tiên công bố dịch, nay đã đủ điều kiện công bố hết dịch. Ông Long nói với báo chí:
Vĩnh Phúc đã xuất hiện người nhiễm thứ cấp, lây từ người đi từ Vũ Hán về, Bộ Y tế rất quan tâm tới khu vực này. Từ cuối tháng 1, Bộ Y tế đã cách ly 8 người trong đoàn công nhân ở Vĩnh Phúc đi từ Vũ Hán về và chúng tôi xác định vẫn có thể có thêm ca mắc ở đây.
Ngày 4 và 5-2 chúng tôi đều cử đoàn đi Vĩnh Phúc. Chúng tôi coi đây là 1 ổ dịch, khoanh vùng đó lại. Toàn bộ danh sách người tiếp xúc các bệnh nhân đều đã được cách ly tại nhà, chúng tôi cũng yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện cách ly đặc biệt với tỉnh Vĩnh Phúc, tức là các địa phương khác cách ly 3 vòng, riêng Vĩnh Phúc cách ly 4 vòng, bao gồm cả người tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân.
Bộ Y tế cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ Vĩnh Phúc trong trường hợp cần thiết, nhưng trong thời điểm hiện nay tôi đánh giá Vĩnh Phúc đã thực hiện đầy đủ hoạt động cách ly người nghi ngờ rồi.
* Ông có nói về đỉnh dịch do virus corona chủng mới là 7-10 ngày tới ở Trung Quốc - vùng dịch nguy hiểm nhất hiện nay trong số 28 quốc gia. Bao giờ là đỉnh dịch của Việt Nam và nếu kịch bản tốt (áp dụng các biện pháp phòng chống hiệu quả) thì số mắc ở Việt Nam cảnh báo là bao nhiêu?
- Các chuyên gia quốc tế đánh giá đỉnh dịch ở Trung Quốc khoảng 7-10 ngày tới vì họ chứng minh được rằng số ca mắc, ca nguy cơ giảm dần, số người được điều trị, khỏi bệnh xuất viện tăng lên.
Không phải Việt Nam đợi đến khi Trung Quốc đạt đỉnh dịch mới triển khai các biện pháp chống dịch, chúng ta đã chống từ sớm. Hiện đã ngăn toàn bộ những người từ vùng dịch, đặc biệt là từ Vũ Hán vào Việt Nam, những công dân Việt Nam về từ vùng dịch đều được cách ly tại cửa khẩu.
Chúng ta cũng khoanh vùng cách ly trong nước, vì vậy nếu Trung Quốc có lên hay xuống thì tình hình Việt Nam vẫn là việc chúng ta cách ly triệt để với nguồn lây này và kiểm soát triệt để trong nước.
Còn về số ca mắc ở Việt Nam, tôi tin người dân và cả cán bộ y tế như tôi đều hi vọng không có thêm ca mắc, chúng ta phải cố gắng để tùy tình hình đều ứng phó phù hợp.
* Ông có nói đang có ứng phó phù hợp, nhưng ổ dịch Vĩnh Phúc vẫn có thêm người nhiễm?
- 10 ca nhiễm thì 8 ca xâm nhập từ ngoài vào. Chúng ta đã khoanh vùng cách ly, kiểm soát, 2 ca thứ phát thì Khánh Hòa chưa có thêm ca tiếp theo. Tại Vĩnh Phúc tình hình đang được kiểm soát. Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc nhờ triển khai thực hiện phòng dịch đồng bộ, tình hình sẽ được kiểm soát.
Ở Vĩnh Phúc hiện còn 3 người đi cùng đoàn công nhân 8 người, 5 người đã mắc bệnh, 3 người này đang được giám sát, chưa thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Cơ quan y tế ở địa phương này đã làm hết sức trách nhiệm, cách ly đến vòng thứ 4: người bệnh, người nghi nhiễm, người tiếp xúc với người bệnh và người tiếp xúc với người tiếp xúc. Đó là cách ly rất mạnh.

4 vòng cách ly corona

* Tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh đều coi là bệnh, cách ly tuyệt đối tại bệnh viện, bởi có 8 người đi từ Vũ Hán về đã 5 người nhiễm.
* Vòng hai là cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú với những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam.
* Vòng ba là cách ly hạn chế những người tiếp xúc người bệnh.
* Vòng bốn là người tiếp xúc với người tiếp xúc người bệnh.
Ngành y tế xác định mỗi người là một ổ dịch nên khi xác định phải kiểm soát ngay. Ở Vĩnh Phúc, nơi đã có 5 bệnh nhân, đã áp dụng cách ly 4 vòng (cao hơn các nơi khác 1 vòng).


Việt Nam đã chuẩn bị sẵn 3.000 giường bệnh

Riêng về việc Việt Nam có thiếu giường bệnh điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona hay không, ông Nguyễn Thanh Long cho biết ngành y tế đã dành 3.000 giường bệnh.
Theo ông Long, hiện các bệnh viện đã dành sẵn 3.000 giường bệnh, trong tình hình thực tế, Việt Nam cũng đã có kịch bản ứng phó phù hợp. Hiện có nhiều tin giả về số mắc, gây hoang mang cho người dân. Người dân không nên tích trữ thực phẩm, khẩu trang.
Cập nhật đến 21h ngày 5-2, thế giới đã ghi nhận 24.634 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đã có 493 người tử vong (491 người tử vong tại Trung Quốc, 1 người tại Philippines, 1 người tại Hong Kong).
Tại Việt Nam, tính đến ngày 5-2 đã ghi nhận 10 người mắc. Trong đó có 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện), 5 người Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (có 1 người đã khỏi và xuất viện), 1 người Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi bệnh và xuất viện), 1 Việt kiều Mỹ đến Việt Nam trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc, 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính trước đó.
Theo ông Long, tỉ lệ tử vong ở dịch viêm phổi Vũ Hán là 1,8%, 80% người tử vong trên 60 tuổi và 75% có từ 1 bệnh nền trở lên. Về người mắc: đa số là nam giới, có ít người bệnh là nữ giới và trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các cán bộ y tế tham gia chống dịch, nhân viên xét nghiệm tiếp xúc với mầm bệnh, những người làm việc xuyên tết, các đội nhóm tình nguyện tham gia tặng khẩu trang, các nhà thuốc bán khẩu trang đúng giá... đều là những tấm gương cần được tưởng thưởng trong phòng chống dịch bệnh.

Theo LAN ANH thực hiện (TTO)

Có thể bạn quan tâm