Kinh tế

Giá cả thị trường

Việt Nam đủ sức theo đuổi kinh tế kỹ thuật số và năng lượng sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc, nhấn mạnh hai vấn đề về kinh tế kỹ thuật số và năng lượng sạch không quá tầm đối với Việt Nam khi tham gia đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 26-7 đồng tổ chức hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng đầu tiên giữa các quốc gia tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Đây là hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden chính thức khởi động IPEF trong chuyến thăm Tokyo - Nhật Bản hồi tháng 5.

 

 Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo khác trong sự kiện công bố IPEF ở Tokyo hôm 23-5. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo khác trong sự kiện công bố IPEF ở Tokyo hôm 23-5. Ảnh: Reuters


Với cách tiếp cận mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, IPEF được kỳ vọng giúp Mỹ khôi phục vị trí đã mất sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau đó, hiệp định đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và được ký kết mà không có sự tham gia của Mỹ. IPEF truyền sức sống mới vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho phép Washington đối trọng với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Ngoài Mỹ và Nhật Bản, 12 quốc gia khác gồm Úc, Fiji, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đang trong quá trình thảo luận để chuẩn bị cho đàm phán chính thức IPEF vào tháng 9 tới, để làm rõ nội hàm của 4 trụ cột của sáng kiến, gồm thương mại và chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động hôm 29-7, nếu chọn về kinh tế kỹ thuật số và năng lượng sạch thì có quá tầm với Việt Nam hay không, ông Thành cho rằng hai vấn đề này không quá tầm đối với Việt Nam vì Việt Nam đã thực hiện những cam kết có độ khó hơn rất nhiều trước đó. Ông Thành đề cập đến CPTPP đều có các vấn đề liên quan đến kỹ thuật số, thương mại số đòi hỏi những các quy tắc tuân thủ nghiêm ngặt. Đối với năng lượng sạch, chính phủ cũng đã tham gia cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đó là những cam kết đầy tham vọng, khó hơn rất nhiều so với khuôn khổ IPEF.

 

 TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc.


Cũng trong cuộc trao đổi hôm 29-7, TS Thành nhấn mạnh rằng IPEF không phải là một hiệp định tự do thương mại vì thế rất khó để so sánh với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Ông cho rằng IPEF bản chất là cuộc đua về luật chơi trên 4 trụ cột để khắc phục những lỗ hổng mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn chưa vá được.

Đối với IPEF, TS Thành cho rằng Việt Nam sẽ không phải chạy đua để thay đổi và thích ứng mà với việc tham gia ngay từ đầu, Việt Nam sẽ là một trong những bên thiết kế luật chơi. Khi tham gia từ đầu, Việt Nam được quyền nêu ý kiến, có quyền mặc cả, quyền đặt vấn đề mà mình muốn thảo luận.

TS Thành cho rằng IPEF rất đáng để Việt Nam tham gia đàm phán vì nhu cầu của kinh tế Việt Nam là nâng cấp. TS Thành lập luận: "Phần lớn luật kinh doanh, luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật đầu tư nước ngoài chỉ xuất hiện ngay trước khi chúng ta chạy đua để đàm phán vào WTO, EVFTA hay CPTPP. Điều đó đồng nghĩa với việc là khi có yêu cầu từ bên ngoài thì chúng ta mới nâng cấp hệ thống luật của mình lên, từ đó nâng cấp chất lượng và môi trường kinh doanh".

Nhận định về vấn đền này, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng từ nay đến tháng 9, giai đoạn trước khi đàm phán chính thức, Việt Nam nên tham gia vào tham vấn ban đầu, qua đó xác định xem có thể đóng góp gì và nên tham gia ở mức độ nào.

Theo Xuân Mai (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm