Kinh tế

Nông nghiệp

Việt Nam hướng đến phát triển bền vững ngành cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 trên thế giới và đang hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD vào năm 2030.
Ngày 3/12, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng giá năm 2019 để tìm ra giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê.
 
Các đại biểu tham gia thảo luận tìm giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tuyết
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2018, diện tích cà phê Việt Nam đạt 645.217 ha, năng suất 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng 1,6 triệu tấn năm, trong đó cà phê vối chiếm 96%. Cả nước có 5 vùng sản xuất chính cà phê là: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc. Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích 577.000 ha (chiếm 89%). Gần đây, Tây Nguyên nói riêng và các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam cũng đang đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, lượng mưa thấp, tần suất ít, gây thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt cà phê.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tại Việt Nam việc sản xuất, chế biến và thương mại cà phê vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn, thâm canh chưa bền vững, các điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đang khiến giá trị chuỗi sản xuất hàng hóa chưa cao. Gần đây cà phê rớt giá khiến người nông dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, do chưa có chiến lược toàn diện trong thúc đẩy xuất khẩu, nên cà phê Việt Nam chưa phát huy được các lợi thế riêng để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
"Để phát triển bền vững, ngành cà phê Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào các vùng nguyên liệu, các công ty trồng và sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng hạt cà phê từ nông trại đến người tiêu dùng; xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua; hỗ trợ nông dân về vốn để họ yên tâm trồng trọt…”, ông Đức nói.
Theo các đại biểu tham gia hội thảo, để phát triển ngành cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tái canh cà phê, hỗ trợ đầu tư tín dụng và cho vay chương trình tái canh cà phê cho người trồng trọt, liên kết chuỗi giá trị cà phê để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chuyển đổi giống, mùa vụ để sản xuất ra loại cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ….
Hoàng Tuyết (Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm