Không chỉ nhập khẩu điều thô, tiêu từ Campuchia, năm 2021 ghi nhận việc Việt Nam nhập khẩu một lượng gạo khổng lồ từ Ấn Độ.
Việt Nam nhập lượng gạo khổng lồ từ Ấn Độ
Mặc dù là nước xuất khẩu gạo top đầu thế giới nhưng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu lượng lớn gạo từ Ấn Độ.
Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD.
Con số này tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với 76 tấn, trị giá 135 triệu USD của cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là lượng gạo nhiều nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ đã xuất khẩu sang Việt Nam.
Đáng chú ý, từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn nhưng từ năm 2020 Việt Nam đã bất ngờ nhập khẩu 46.700 tấn gạo từ thị trường Ấn Độ, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2019 và xu hướng tăng vẫn tiếp tục diễn trong những tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, theo Reuters, năm 2021, Ấn Độ có thể xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn tạo, nhiều hơn số lượng gạo của 3 nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại.
Mặc dù là nước xuất khẩu top đầu thế giới nhưng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu lượng lớn gạo từ Ấn Độ. Trong ảnh: Thương lái thu mua lúa cho nông dân tại Cần Thơ. Ảnh: H.Xây. |
Chỉ tính riêng trong 7 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đạt 12,84 triệu tấn, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiết lộ với Reuters, ông Nitin Gupra, Phó Chủ tịch Công ty Kinh doanh gạo Olam India cho biết, sở dĩ xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng là do năm nay Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh cũng mua gạo từ Ấn Độ.
Với ưu thế giá rẻ, gạo Ấn Độ đang được nhiều nhà nhập khẩu.
Việt Nam mua gạo của Ấn Độ có phải là điều bất thường?
Bày tỏ quan điểm về việc Việt Nam tuy là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng cũng nhập khẩu lượng lớn nông sản về chế biến, GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải nêu rõ các con số nhập khẩu để định hướng phát triển cho từng ngành một cách phù hợp.
Theo ông Bộ, không chỉ nhập lượng lớn điều thô từ Campuchia, Việt Nam cũng đang nhập khẩu lượng lớn gạo từ Ấn Độ.
Tuy nhiên, dưới góc độ thương mại, nhiều chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng, điều này là bình thường vì gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam nên các doanh nghiệp thường nhập về để chế biến các sản phẩm từ gạo và phục vụ nhu cầu chăn nuôi.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, việc doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cũng như doanh nghiệp Ấn Độ nhập khẩu gạo của Việt Nam, trong xu thế hội nhập việc này không có gì là bất thường.
Trong khi Việt Nam đang hướng đến sản xuất những loại gạo thơm, chất lượng cao thì loại gạo phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ thiếu hụt, trong khi gạo Ấn Độ giá rẻ hơn nên các doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu
Theo dự báo của Tổng cục Hải quan, số lượng gạo xuất khẩu cả năm 2021 nhiều khả năng không đạt 6,5 triệu tấn, dừng lại ở mức 6-6,2 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo có thể vẫn đạt trên 3 tỉ USD nhờ giá gạo Việt Nam thuộc top đầu thế giới.
Điều này cũng đúng với định hướng phát triển ngành lúa gạo của Bộ NNPTNT là giảm sản lượng và tăng giá trị.
Bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng cho rằng, trong quan hệ thương mại, việc nhập khẩu việc nhập khẩu nguyên liệu nông sản về chế biến là hoàn toàn bình thường.
Theo bà Thùy, không nên quá quan ngại khi nhìn vào lượng kim ngạch nhập khẩu vì chúng ta đang sử dụng các yếu tố nhập khẩu như yếu tố đầu vào để gia công, chế biến, xuất khẩu đến những thị trường có FTA và những thị trường đó cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt thì tại sao lại không làm?
https://danviet.vn/viet-nam-mua-luong-gao-khong-lo-tu-an-do-de-lam-gi-20211223173121632.htm
Theo K.Nguyên (Dân Việt)