Đô thị

Việt Nam sẽ có ít nhất 3 thành phố thông minh vào năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với việc hàng loạt các tỉnh, thành phố đang lập đề án xây dựng thành phố thông minh, Việt Nam thậm chí sẽ có hàng chục đô thị thông minh trong thời gian tới.
Số hoá đang là một trong những công cụ đòn bẩy của Chính phủ Việt Nam để thực hiện tham vọng đưa ngành CNTT-TT chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020. Đô thị thông minh được xác định là một trong các hướng chủ chốt, ưu tiên trong chiến lược phát triển nhằm vượt qua các thách thức của quá trình đô thị hoá nhanh chóng và sự hoà nhập mạnh mẽ của khu vực nông thông bằng CNTT.
Tình hình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam
Tại Hội thảo Việt – Pháp về xây dựng đô thị thông minh, nhiều thông tin về tình hình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đã được chia sẻ.
Theo đó, Chính phủ chủ trương xây dựng, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, phải triển khai ít nhất 3 đô thị thông minh tại Việt Nam. Trong rất nhiều thành phần của đô thị thông minh, Chính phủ ưu tiên phát triển công nghiệp số, du lịch thông minh và nông nghiệp thông minh.
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) chia sẻ về thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) chia sẻ về thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi lớn nhất nằm ở việc, đây là chủ trương nhận được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Việt Nam cũng là nước có tốc độ đô thị hoá nhanh. Mục tiêu tỷ lệ đô thị hoá tại Việt Nam đến 2020 là 45%. Sự phát triển của các đô thị sẽ kéo theo các nhu cầu về phát triển đô thị thông minh nhằm giải quyết những vấn đề xã hội.
Một trong những thuận lợi để triển khai đô thị thông minh là Việt Nam có hạ tầng viễn thông tương đối tốt, tỷ lệ người dùng Internet tăng nhanh. Lượng thuê bao Internet băng rộng phát triển mạnh. Bên cạnh đó, việc tăng cường hội nhập quốc tế cũng là một đòn bẩy giúp tăng tiến độ chuyển giao công nghệ và xây dựng các đô thị thông minh.
Việt Nam cũng đang tiến hành triển khai chính quyền điện tử. Tất cả bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam đều đã có cổng thông tin điện tử. Nhiều cơ quan đã cung cấp dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 1, 2, thậm chí ở mức 3 và 4. Đây là một thành phần cốt lõi mà các bộ, ngành, địa phương đang theo đuổi để phát triển đô thị thông minh.
Thách thức lớn nhất trong việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam nằm ở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là tại nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa. Một vấn đề khác là tốc độ phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tầm quốc gia triển khai còn chậm. Chính quyền điện tử ở nhiều bộ, ngành, địa phương phát triển rộng nhưng việc kết nối với nhau vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cho việc phát triển đô thị thông minh vẫn chưa được hoàn thiện. Một số người đứng đầu các cơ quan nhà nước vẫn còn chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển CNTT.
Việt Nam sẽ không chỉ có 3 đô thị thông minh

Trong lộ trình ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử 5 năm tới, phát triển các đô thị thông minh là một sáng tạo chiến lược. Đây là chủ trương được hoạch định triển khai để phát huy tốt hơn vai trò động lực phát triển kinh tế của các các đô thị.

Nước Pháp là quốc gia rất tích cực trong việc hỗ trợ triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam.
Nước Pháp là quốc gia rất tích cực trong việc hỗ trợ triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam.
Từ đầu năm 2016 đến nay, một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... đã xúc tiến triển khai chiến lược này. Bắt đầu với việc khẩn trương xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh.
Dự thảo của các địa phương tuy có nhiều điểm khác biệt nhưng đều hướng tới việc phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tại trung tâm hành chính công, chính quyền một cửa.
Ở các thành phố lớn, quá trình này tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh. Ở một vài tỉnh có điều kiện đặc thù như Đà Lạt, địa phương này tập trung vào việc phát triển du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh.
Trước nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng các đô thị thông minh, Bộ TT&TT đã nghiên cứu các định hướng để đưa ra lộ trình phát triển. Trong đó, Bộ lưu ý đến việc khảo sát kỹ hiện trạng từ đó xác định mô hình triển khai sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần có lộ trình phát triển rõ ràng, tránh sự trùng lặp. Các địa phương cũng nên ưu tiên triển khai những hướng phát triển phù hợp nhất với thế mạnh của mình.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện học tập kinh nghiệm phát triển tại các đô thị tiên tiến. Từ đó, xây dựng nên mô hình đô thị thông minh điển hình phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Trọng Đạt (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm