Pleiku: Xây dựng thành phố thông minh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghe nói xây dựng “Thành phố thông minh” (smart city) ai cũng thích. Nhưng thành phố thông minh là gì và làm thế nào để có thành phố thông minh thì các quan điểm trên thế giới lại không hoàn toàn đồng nhất.   

Pleiku xứng đáng là một lựa chọn để xây dựng nên một thành phố thông minh đúng nghĩa.
Pleiku xứng đáng là một lựa chọn để xây dựng nên một thành phố thông minh đúng nghĩa.

Ở Đức, người ta định nghĩa thành phố thông minh là “thành phố trung tính về CO2, sử dụng năng lượng và tài nguyên có hiệu quả, phù hợp với khí hậu trong tương lai”. Còn ở những nơi khác, người ta lại nhấn mạnh đến ý niệm đô thị bền vững. Ở đây thành phố tương lai được coi là “thành phố chung tay” và cư dân là “đối tác bình đẳng” mà nếu thiếu họ thì không thể phát triển đô thị bền vững.  

Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và điện tử, người ta quan niệm chữ “E” (Điện tử) luôn phải đứng đầu trong các yếu tố tạo nên thành phố thông minh. Với  các ứng dụng như “E-Government” (chính phủ điện tử), “E-Ticketing” (vé điện tử trong giao thông) và không gian sống kết nối mạng lưới, có thể hình dung smart city như một sự kết nối khổng lồ được tạo nên bởi công nghệ cao gồm công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ tạo năng lượng sạch… Nhờ đó, không chỉ người dân được hưởng lợi mà du lịch, kinh tế sẽ phát triển vượt bậc.

Nhưng tôi nghĩ, đã gọi là thành phố thông minh thì việc đầu tiên phải làm là nâng cao dân trí cho cư dân thành phố. Người ta tính rằng, tới năm 2050 thì 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Đó là một thách thức lớn đối với nhân loại nếu không tìm ra được những giải pháp cho cuộc sống đô thị. Một thành phố gọi là thông minh không thể tồn tại với đa số cư dân có trình độ dân trí thấp. Mà dân trí phải được nâng lên bằng giáo dục, bằng ý thức dân chủ và trình độ tự chủ, bằng tinh thần cộng đồng và ý thức trách nhiệm, bằng lòng nhân ái và sự chia sẻ, bằng sự kiên định bảo vệ môi trường sống, chứ không phải bằng những tiêu chí ngược lại.

Tôi chợt nhớ tới một thành phố trên cao nguyên Việt Nam: thành phố Pleiku. Tôi đã từng tới thành phố này nhiều lần. Và điều chiếm lĩnh tâm trí tôi nhiều nhất, từ một thành phố đã từng vào thơ bạn tôi-thi sĩ Vũ Hữu Định-”Đi dăm phút đã về chốn cũ”, là cái thành phố có vẻ không bằng phẳng này lại rất có lợi thế để xây dựng nên một thành phố thông minh ở Việt Nam. Tại sao vậy? Vì Pleiku là thành phố có độ cao 800 mét so với mực nước biển, có thời tiết quanh năm rất dễ chịu, số cư dân khởi nghiệp rất đông và số người thành đạt trong kinh doanh cũng khá lớn nếu so với mặt bằng các thành phố trong nước. Thành phố lại không quá lớn, có thiên nhiên rất đẹp, rất hòa quyện với kiến trúc đô thị. Những kiến trúc sư tài ba đã và sẽ tìm được ở nơi đây những ý tưởng đột khởi cho sáng tạo của mình. Dân số thành phố cũng đông vừa phải và trình độ dân trí đang ngày một nâng lên. Để có được một thành phố với 3 tiêu chí “Năng động, an toàn, bền vững”, Pleiku còn phải làm rất nhiều việc. Nhưng nơi này hoàn toàn có thể xây dựng nên thành phố thông minh theo đúng những tiêu chí tiên tiến của thế giới nếu thêm vào đó sự đầu tư các công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ kiểm soát môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ trồng hoa và rau sạch, công nghệ trồng rừng chất lượng cao…

Nghe nói Tập đoàn Viettel đã hạ quyết tâm sẽ xây dựng 8 thành phố mang tên thành phố thông minh trong cả nước. Tôi nghĩ Pleiku xứng đáng là một lựa chọn để xây dựng nên một thành phố thông minh đúng nghĩa.

 Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm