Kinh tế

Giá cả thị trường

Việt Nam xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

 Việc ký kết một số hiệp định thương mại sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam tại thị trường EU và các nước CPTPP.

Năng suất lao động của ngành còn tăng cao nếu thay đổi cách quản trị và đổi mới công nghệ.
Năng suất lao động của ngành còn tăng cao nếu thay đổi cách quản trị và đổi mới công nghệ.



Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, ngành da giày có sự phát triển tương đối ổn định. Tổng sản phẩm sản xuất ước đạt 202,2 triệu đôi, tăng 4,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới. Doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng đã tăng nhanh. Việc ký kết một số hiệp định thương mại như Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

Mặc dù vậy, theo Bộ Công Thương, ngành da giày cũng phải đối mặt với một số khó khăn như chi phí nhân công ngày càng tăng; năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Tương tự như ngành dệt may, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành da giày với xu hướng các doanh nghiệp sẽ hướng tới đầu tư thiết bị hiện đại, giảm bớt lao động...

Chính vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, hạn chế về năng suất liên quan đến trang thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam là một bất lợi cần phải được khắc phục sớm, đặc biệt là trong bối cảnh, xuất hiện khả năng cao dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam sau chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong năm 2018 cũng như tương lai xa hơn, các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khá gay gắt của các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso dự báo, nếu áp dụng những phương pháp quản lý cũng như ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán về năng suất lao động, tăng trưởng ngành da giày có thể sẽ tăng 1,5-2 lần so với hiện tại.

 Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
 

Có thể bạn quan tâm