Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Viết về lịch sử: Khó hay dễ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cuộc thi “Viết về một thời kháng chiến ở Gia Lai” do Ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến tỉnh Gia Lai phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức phát động đã kết thúc cách nay gần 2 tháng, nhưng dư âm của cuộc thi này vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều độc giả. Các tác phẩm tham gia cuộc thi “chẳng khác nào những bức ký họa chân thật”, như ai đó đã có lần bảo vậy, nói lên một thời lịch sử chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta trên địa bàn của một tỉnh được coi là rất “nóng” của vùng đất Bắc Tây Nguyên này.
Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi nói trên là nhằm ôn lại lịch sử và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ thời hậu chiến. Chiến tranh đã lùi xa, nhân chứng lịch sử không còn nhiều, người trong cuộc ngày càng ít, cuộc thi diễn ra dẫu muộn vẫn còn hơn không. Nhưng thực hiện cuộc thi về đề tài quá khứ này là điều không hề dễ dàng. Nhiều người trong cuộc không giỏi viết lách, người viết được thì lại là “người ngoài cuộc”. Dù vậy, vượt qua cái khó đó, cuộc thi đã thành công như mong đợi. Ngoài những tác giả là những người đã từng lăn lộn, trực tiếp cầm súng chiến đấu, hoạt động cách mạng trên chiến trường Gia Lai, nhiều tác giả đã thành công trong khi tìm tòi nhân chứng, lắng nghe và chọn lọc những vấn đề, sự kiện đáng nhớ để đưa vào tác phẩm của mình, chinh phục được độc giả, tạo sự lan tỏa trong công chúng...
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T
Tuy nhiên, từ cuộc thi viết về đề tài chiến tranh trong không gian hẹp và lần đầu tiên tổ chức từ trước đến nay tại Gia Lai, theo chúng tôi, các cơ quan báo chí, cơ quan Hội Nhà báo cần có sự đúc rút kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ. Nên chăng cần đào tạo, bồi dưỡng cho những người cầm bút trẻ cả về lịch sử, mà cụ thể là lịch sử về văn hóa, xã hội chính ngay trên địa bàn mà nhà báo-hội viên tác nghiệp, nhất là lịch sử chiến tranh cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể. Thực tế, khi Ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến tỉnh và Báo Gia Lai mở cuộc thi trên, có rất ít tác giả trẻ tham gia. Qua trao đổi với tôi về đề tài này, các phóng viên trẻ bộc bạch rằng, họ “hổng” kiến thức lịch sử dù có ưu thế được đào tạo bài bản về nghiệp vụ báo chí. Một nhà báo có thâm niên nhận định, sở dĩ các đồng nghiệp trẻ khó khăn trong việc thể hiện các bài viết về đề tài lịch sử nói chung, lịch sử chiến tranh nói riêng là vì không chịu khó... đọc. Nói đến điều này, tôi chợt nhớ một nhà báo từng khẳng định: “Muốn viết được một chữ thì phải đọc hàng chục chữ”. Tôi rất đồng tình, bởi không ai có thể “sáng tác” sự kiện, nhân vật lịch sử.
Không chỉ khó khăn trong việc khai thác tư liệu trong quá khứ, các phóng viên trẻ còn gặp khó do hầu hết “nguồn tin” đáng tin cậy từ người trong cuộc nay tuổi đã cao, ký ức phần nào không còn nguyên vẹn, nhiều người ít tiếp xúc với truyền thông, ngại nói về mình. Đã vậy để biến nguồn tin, tư liệu hiếm hoi khai thác được trở thành tác phẩm báo chí cũng lại là điều không dễ. Nhiều tác giả chỉ có thể ghi chép một cách máy móc, khô cứng, khó thuyết phục độc giả, và vì thế sức lan tỏa của tác phẩm hạn chế là điều dễ hiểu.
Hai năm trở lại đây, trên báo Gia Lai Cuối tuần có chuyên mục “Gia Lai miền nhớ”. Đây là việc làm có ý nghĩa, đáng trân trọng của Ban Biên tập Báo Gia Lai, góp phần tri ân quá khứ, giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ hiểu biết phần nào những con người và sự kiện chưa được nhiều người biết đến trong những giai đoạn lịch sử đã qua trên vùng đất mà chúng ta đang sống ngày nay. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”-người xưa đã dạy như vậy, nhưng muốn nhớ “kẻ trồng cây” thì trước hết phải hiểu biết về “kẻ” ấy. Báo chí là một trong những kênh quan trọng và có trách nhiệm trong việc giúp người đương thời trở về “miền nhớ”, và có thể nói rộng ra, đây cũng là một trong những chức năng của báo chí cách mạng Việt Nam trong thông tin, định hướng chính trị, tư tưởng... Nhất là trong bối cảnh tình hình hiện nay, khi các thế lực phản động ra sức tuyên truyền phủ nhận những thành tựu của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phủ nhận lịch sử cách mạng, phủ nhận quá khứ..., báo chí cách mạng có vai trò to lớn trong việc phản bác những quan điểm sai trái, phản động, những luận điệu xuyên tạc lịch sử của những kẻ thù địch; bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.
Báo chí cách mạng ở Gia Lai nói chung, các cơ quan báo chí của địa phương nói riêng, trong suốt chặng dài lịch sử hình thành và phát triển đã thực hiện tốt chức năng của mình. Để phát huy thành tựu đó trong hiện tại và tương lai, chúng tôi nghĩ các cơ quan hữu trách nên có kế hoạch đi đôi với việc mở ra những cuộc thi viết, những chuyên mục viết về lịch sử. Cần bồi dưỡng đội ngũ làm báo thế hệ kế cận về kiến thức lịch sử, văn hóa chính trên vùng đất họ đang sống và làm việc. Cùng với đó, nếu được nói thêm vài điều, người viết bài này mong muốn các đồng nghiệp trẻ không ngừng học tập, trau dồi đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp nói riêng và tư tưởng, chính trị vững vàng. Bên cạnh đó cần phải đi, phải ghi, phải chụp, phải lưu giữ, phải đọc nhiều hơn nữa nếu không muốn mình trở thành phóng viên “phòng lạnh”. Được vậy thì theo tôi sẽ chẳng có đề tài nào, lĩnh vực nào có thể làm khó họ.
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm