Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vĩnh biệt "cha đẻ" ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhạc sĩ Ánh Dương vừa qua đời tại nhà riêng ở Nghệ An, hưởng thọ 88 tuổi. 

Nhạc sĩ Ánh Dương tên khai sinh là Lê Văn Dương (SN 1935), quê ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Năm 18 tuổi (1953), Lê Ánh Dương nhập ngũ trong đợt tổng động viên phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, làm lính xung kích trong Chiến dịch Trung-Hạ Lào, lính tình nguyện ở Campuchia; sau đó hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp tại Đoàn Văn công Đại đoàn 325 và đã viết một số ca khúc “Tạm biệt em”, “Tiếng trống tòng quân”.

Nhạc sĩ Ánh Dương. Ảnh nguồn CAND
Nhạc sĩ Ánh Dương. Ảnh nguồn CAND

Năm 1955, ông chuyển về Đoàn Văn công Quân khu 4, tiếp tục có các tiết mục được tặng giải thưởng trong các hội diễn nghệ thuật toàn miền Bắc thời đó với các thể loại hợp ca và hợp xướng như “Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam”, “Hoa đào nở trên biên giới” và “Phu Cham Xy”; rồi những ca khúc đoạt Giải thưởng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc là “O dân quân và chàng lính pháo trẻ”, “Hành khúc Sư đoàn Sông Lam”... cùng rất nhiều thử nghiệm thành công sau này nữa của ông như viết thơ cho nhạc giao hưởng, ballade, nhạc dân ca kịch.

Ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” được nhạc sĩ Ánh Dương viết xuất phát từ lời “đặt hàng” của đồng chí Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội Hà Tĩnh vào năm 1967. Bài hát viết về các nữ thanh niên xung phong, thanh niên văn công ở mảnh đất núi Hồng, sông Lam với sự gan dạ, kiên cường, ngày đêm bám trụ trên quốc lộ 15A bom cày, đạn xới… Ca khúc hoàn thành chỉ sau một đêm và hoàn thiện sau một tuần.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi ra đời, bài hát đã gây được tiếng vang lớn. Đến nay, bài hát vẫn thường được biểu diễn trong các đêm nhạc, đêm nghệ thuật liên quan đến Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ca khúc đã từng được trình bày bởi nhiều ca sĩ nổi tiếng như NSND Trung Đức, NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ,…

Ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007 với 4 ca khúc gồm: “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam”, “Hoa đào nở trên biên giới”, “Phu Cham Xy” và thơ giao hưởng “Tượng đài chiến thắng”.

Ông được tặng Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất.

PHƯƠNG VI(tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm