Với 1ha đất tại thôn 2, xã Rô Men (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) ông Huỳnh Ngọc Thu đã xây dựng 70 hồ nuôi cá tầm, sản lượng loài cá "quý tộc" này hàng năm lên đến hàng trăm tấn, mang lại doanh thu nhiều tỷ đồng. Mô hình nuôi cá tầm của ông Thu mở ra một hướng đi mới cho người dân tại địa phương.
Trở lại xã Rô Men, huyện Đam Rông đầu năm 2020, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã được giới thiệu đến trang trại nuôi các tầm khủng của ông Huỳnh Ngọc Thu với 70 hồ nuôi. Ông Thu cho biết, đến nay, nghề nuôi cá tầm đã theo ông gần chục năm với bao thăng trầm, lên xuống, được và mất...
Nghề nuôi cá tầm như đã vận vào với bản thân ông Thu. |
“Cách đây khoảng 5 năm, tôi nuôi cá tầm ở hạ nguồn suối Nước Mát, vì thế mà khi lũ tràn về chỉ biết xót xa nhìn cá tầm trôi theo dòng nước xiết. Lần đó, tôi thiệt hại mất mấy tỷ bạc. Cái nghề nuôi cá tầm này như đã vận vào với thân tôi. Sau đợt lũ đó, mình tôi lặn lội lên thôn 2 xã Rô Men để tìm đất tiếp tục làm bể nuôi cá tầm...", ông Thu chia sẻ.
Lần này ông Thu chọn địa điểm là thượng nguồn của suối Nước Mát, làm trang trại nuôi cá tầm dựa vào chân đồi. Nếu có xảy ra lũ lutj cũng không ảnh hưởng gì các bể nuôi cá tầm. Hơn nữa, khởi nghiệp nuôi cá tầm lần 2 nên ông làm hồ nuôi chắc ăn hơn. Những hồ nuôi cá tầm được đổ bê tông chắc chắn, hệ thống bể lọc, nước ra vào cũng được cải tiến...
Những bể nuôi cá tầm của ông Thu được đổ bê tông kiên cố cùng hệ thống ống nước ra vào liên tục. |
Hiện nay, nước cung cấp cho trang trại nuôi cá tầm của ông Thu được lấy về từ suối Nước Mát qua hệ thống ống nhựa phi 220. Nguồn nước này có độ tinh khiết cao, nhiệt độ luôn trong ngưỡng từ 15-20 độ C, các ống nước chảy liên tục suốt ngày đêm để đảm bảo môi trường tốt nhất cho loài "cá quý tộc" này phát triển.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước cho cá tầm phát triển, ông Thu đã xây dựng hồ lọc, trường hợp mùa mưa, nước từ suối về hồ có bị đục thì hệ thống hồ lọc này sẽ phát huy tác dụng, không ảnh hưởng đến cá tầm nuôi trong trang trại.
Thức ăn cho cá tầm con là hỗn hợp cám được pha trộn với tỷ lệ phù hợp. |
Dẫn phóng viên đi thăm trang trại, anh Lê Sanh Nhân (35 tuổi, quản lý kỹ thuật nuôi cá tầm của ông Huỳnh Ngọc Thu) cho biết: “Trung bình, mỗi hồ bê tông rộng khoảng 100m2 và có thể nuôi khoảng 2.000 cá tầm thương phẩm loại 1,5-2kg và nuôi 1.500 cá tầm thương phẩm loại 5-10kg. Cá tầm nuôi sau 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 1,8 – 2kg/con. Thức ăn của cá tầm là cám công nghiệp dành cho cá tầm. Cho cá tầm ăn với 4 bữa ăn sáng, trưa, chiều, tối”.
Anh Nhân bắt một con cá tầm nặng khoảng 6kg cho phóng viên xem. |
Là loại cá ưa nước sạch và nhiệt độ lạnh, vì vậy trong bể cá tầm tại trang trại luôn có những nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ nước. Trung bình, buổi sáng nước có nhiệt độ từ 15-16 độ C, buổi trưa sẽ có nhiệt độ khoảng 20 độ C. Việc tìm được địa điểm để nuôi cá tầm vừa có nhiệt độ thích hợp và sạch như Đam Rông là điều khá khó đối với những ai muốn đầu tư nuôi cá tầm.
Tuy nhiên, hiện nay giá bán cá tầm từ 180.000 – 200.000 thì anh Thu có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ 70 hồ cá tầm của mình.
Nhiệt kế được treo ở những hồ nuôi cá tầm để biết chính xác nhiệt độ trong hồ vào từng thời điểm khác nhau. |
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, địa phương có chủ trương, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào phát triển cá nước lạnh, trong đó có cá tầm trên địa bàn.
Tỉnh Lâm Đồng hiện đang có 25 đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh thương phẩm với tổng diện tích khoảng 380ha, tổng số vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhiều trang trại kiểu mẫu đã hình thành. Các mô hình như nuôi cá tầm tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP đạt năng suất, chất lượng cao.
Hiện nay, Lâm Đồng đang có nhiều chính sách hỗ trợ nghề nuôi cá nước lạnh. trong đó có nuôi cá tầm trên địa bàn. |
Theo Phong Lâm (DânViệt)