Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Với nhiếp ảnh Việt, ảnh đẹp chưa đủ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người ta vẫn quen khen tấm ảnh này đẹp, bức ảnh kia xấu. Thời nay, chỉ cần một chút kỹ thuật với chiếc điện thoại thông minh là ai cũng có thể bấm được một kiểu ảnh đẹp. Sức mạnh của nhiếp ảnh phải hơn thế, nhất là nhiếp ảnh nghệ thuật.

Người bán hàng rong phố cổ Hội An. Ảnh: Việt Văn
Người bán hàng rong phố cổ Hội An. Ảnh: Việt Văn



Ảnh đẹp và ảnh “giả”

Một tình huống thú vị của cuộc sống trên phố Phùng Hưng (Hà Nội), bà hàng hoa rảo bước trên phố đông người, trên cao con tàu lao vun vút vào thành phố. Anh chàng nhiếp ảnh chuyên nghiệp lỉnh kỉnh móc bộ đồ nghề khủng ra bấm vội vài phát trong khi cô bạn đi cùng chỉ giơ ngón tay nhỏ nhắn lên bấm khẽ vào chiếc điện thoại thông minh. “Tách” nghe không đã bằng “xoạch” của tiếng màn trập máy ảnh to nhưng hình ảnh khoảnh khắc cô gái chớp được lại đẹp hơn hẳn. Vì cô thao tác nhanh hơn và dĩ nhiên có óc thẩm mỹ.

Tình trạng “săn ảnh tập thể” của các nhóm nghệ sĩ có giảm so với một vài năm trước, tuy nhiên vẫn còn khá đông. Và những hình ảnh phong cảnh của vùng cao Tây Bắc đẹp nhưng vẫn na ná như nhau, vẫn là cảnh ở bản Lao Xa, cao nguyên đá Hà Giang hay là đồi mâm xôi La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải. Cảnh vẫn long lanh, người vẫn thân thiện vẫn thú vị. Xem nhanh có thể xuýt xoa vì thiên nhiên hữu tình nhưng xem kỹ lại thấy nhạt. Vì nó chỉ là vẻ đẹp hình thức, cái bên ngoài mà không có chiều sâu bên trong. Nó không có sự dụng công của trí tuệ mà chỉ là cái bấm của phản xạ, của thói quen.

Có anh chuyên chở khách săn ảnh bằng xe ôm ở Y Tý (Lào Cai), một ngày đẹp trời quyết định trở thành “nghệ sĩ”. Vì là dân địa phương nên anh biết khi nào mây tầng hay mây tích… lúc nào nắng chiếu đẹp nhất nên canh đúng thời điểm nên chụp được nhiều ảnh đẹp và thắng giải ở một số cuộc thi. Giờ anh đã có thể “ngồi cùng mâm” với mấy bậc nghệ sĩ đàn anh khi xưa mà không thấy mặc cảm.

Việt Nam là đất nước có khí hậu và cảnh quan 4 mùa phong phú là “thiên đường để chụp ảnh” như nhận xét của nhiều tay máy ngoại quốc. Vì thế không có gì lạ khi ảnh Việt Nam hay lên ngôi ở mảng du lịch trong nhiều cuộc thi ảnh quốc tế.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, ảnh du lịch bản chất phải là ảnh mang tính khám phá, chụp tự nhiên, khoảnh khắc bắt lấy những nét văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt, chân dung con người đặc sắc ở các miền đất mới lạ. Còn với nhiếp ảnh nghệ thuật Việt, nhiều ảnh du lịch thực chất là ảnh “giả” du lịch, mang tính dàn dựng, thậm chí trái với tập quán, phong tục của dân bản địa. Thế nên mới có cảnh 3 bà mặc đủ ba màu cơ bản đỏ - vàng - xanh đang rửa bông súng, mới có ảnh người phụ nữ làm hương xếp hương uốn lượn hình chữ S… Hay cảnh bếp lửa người vùng cao, thêm miếng thịt chặt vội sai cách, mua ngoài chợ rồi treo lên gác bếp, cảnh treo ngô chồng chồng lớp lớp, chỉ có trong sự hư cấu của nhiếp ảnh gia.

Sức mạnh của sự ám ảnh

Bản chất của nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh nghệ thuật là sáng tạo. Bởi thế, tiếng nói cá nhân là hết sức quan trọng. Giờ đây khái niệm ảnh đẹp không còn đúng hay chưa đủ với ảnh nghệ thuật. Có những tác phẩm không hề đẹp theo cách truyền thống (bố cục không rơi vào điểm mạnh) nhân vật thì xô lệch cắt nửa mặt, hay nhiều cảnh gần như mất nét hoàn toàn… nhưng càng nhìn nó càng thu hút, buộc người xem phải trở đi trở lại để xem một “cái gì đó” trong ảnh, hay đúng hơn là dấu vết cá nhân của tác giả.

Những bức ảnh chân dung ấn tượng nhất, thực chất lại không hẳn là chân dung của một nhân vật cụ thể mà nhiều khi nó là chân dung của chính người chụp. Họa sĩ, nhiếp ảnh gia người Argentina - Andres Wertheim đã tạo ra một cách chụp chân dung độc đáo, khi chiếu projector lên mặt nhân vật các hình ảnh khác nhau từ chiếc xe hơi thể thao ở Mexico, từ gương mặt đấu sĩ ở Tây Ban Nha cho đến những chú bò ở Philipines… Ông đã tạo ra những chân dung “đa nhân cách” với những bản thể khác nhau trong một con người.

Một bức ảnh đẹp theo kiểu ánh sáng đẹp, bố cục đẹp đôi khi là cái bẫy chết người với tác giả và người xem. Một tác phẩm ảnh nghệ thuật thực sự có thể không đẹp, thậm chí là “xấu xí” vì đi ngược lại tiêu chí thẩm mỹ truyền thống nhưng nó gây ám ảnh với một hay nhiều ẩn ý, với những câu chuyện được kể bằng một giọng điệu riêng.

Không phải vô cớ mà càng ngày xu hướng ảnh bộ với những dự án ảnh dài hơi, kéo dài thậm chí cả chục năm được đánh giá cao. Bởi nó gắn liền với thế giới quan, góc nhìn thẩm mỹ của tác giả, những bộ ảnh đó có thể dựng lại một giai đoạn của lịch sử một đất nước, một thành phố, một miền quê thông qua câu chuyện của một cá nhân, một gia đình. Nhưng nó tuyệt nhiên không phải là ảnh báo chí mà nó là ảnh nghệ thuật có sự pha trộn của cả yếu tố tư liệu, sự hư cấu và cả cái nhìn dự báo.

 

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/voi-nhiep-anh-viet-anh-dep-chua-du-885502.ldo

Theo Việt Văn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm