Qua quá trình rà soát, cơ quan Hải quan xác định 31 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu có hoạt động bán hàng với Công ty Asanzo, trong số này có 3 doanh nghiệp không còn hoạt động và một doanh nghiệp bị khởi tố là Công ty Sa Huỳnh.
Bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan)
Thông tin tới báo chí về hoạt động kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp, bán hàng cho Công ty Asanzo tại một buổi buổi họp chuyên đề về “Công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành Hải quan” được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, đơn vị nhận được phản ánh từ báo Tuổi Trẻ 25 doanh nghiệp (DN), còn từ phía Bộ công an chuyển 26 DN có liên quan.
Trải qua quá trình rà soát, cơ quan Hải quan xác định 31 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu có hoạt động bán hàng với Công ty Asanzo. Trong số này có 3 doanh nghiệp không còn hoạt động và một doanh nghiệp bị khởi tố là Công ty Sa Huỳnh. Do đó, cơ quan Hải quan đã ban hành 27 quyết định kiểm tra sau thông quan với 27 doanh nghiệp còn lại.
Trong 27 doanh nghiệp, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) trực tiếp kiểm tra 13 doanh nghiệp, giao 14 đơn vị còn lại cho Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra, tiếp tục làm rõ.
Đến thời điểm hiện tại (19/7), Cục Kiểm tra sau thông quan vẫn đang tiến hành rà soát, thu thập thông tin và phối hợp với các đơn vị liên quan.
“Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm này chưa có kết quả cuối cùng”, bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Công ty Asanzo nhập khẩu thiết bị linh kiện điện tử, hàng hóa Trung Quốc về gắn nhãn mác "Made in Vietnam" có vi phạm pháp luật hay không?
Một đại diện khác của Tổng cục Hải quan cho hay, đối với sự việc xảy ra tại công ty Asanzo, cần làm rõ nhiều yếu tố. Ví dụ, tại Nghị định 43 của Chính phủ quy định ghi nhãn mác "Made in Vietnam". Tuy nhiên, tại Nghị định 31 của Chính phủ, chỉ ghi tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chưa có đối với hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa.
Theo đó, hiện tại, cơ sở xác định doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện nhập khẩu sau đó lắp ráp bán tại thị trường Việt Nam có đáp ứng tiêu chí xuất xứ với hàng Việt Nam hay không là không có. Nếu áp dụng với hàng nhập khẩu, xuất khẩu chúng ta có rõ ràng về giá trị gia tăng ở Việt Nam là bao nhiêu, quy tắc chuyển đổi mã HS từ đầu vào, đầu ra 4 số hay 6 số.
"Nếu hàng hóa xuất khẩu thì chúng ta có tiêu chí, còn đối với hàng hóa lưu thông trong nước, chúng ta chưa có tiêu chí, do vậy trường hợp doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp như thế nào thì được ghi và không được ghi Made in Vietnam hiện là chưa có", đại diện Tổng cục Hải quan cho biết
Đối với trường hợp doanh nghiệp nhập nguyên chiếc bếp từ, nồi cơm điện, bàn là từ Trung Quốc, sau đó ghi nhãn mác "Made in Vietnam", trường hợp này doanh nghiệp ghi "Made in Vietnam" là hoàn toàn sai.
P.V (Dân Việt)