Sau khi bị tố cáo, ngày 26-11, nhiều cảnh sát giao thông ở Đồng Nai cho biết bất ngờ nhận được thông báo mời lên nhận tiền trực lễ tết, tiền trực ca đêm. Nhiều người chưa nhận vì... trả "chưa đủ"...
Bị CSGT dừng xe xử lý vi phạm, nhiều tài xế gọi điện, sau đó các sếp ở đội CSGT số 1, số 2 gọi điện đề nghị cho xe vi phạm đi mà không bị xử lý - Ảnh cắt từ clip
Sau khi bị tố cáo "bảo kê xe quá tải" và ký nhưng không được nhận tiền trực lễ tết, tiền ăn ca, ngày 26-11, nhiều cảnh sát giao thông xác nhận đã được đội tham mưu tổng hợp Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (đơn vị chịu trách nhiệm chi trả các chế độ lương, phụ cấp) Công an tỉnh Đồng Nai gửi danh sách yêu cầu ký nhận tiền trực lễ tết, trực đêm.
Danh sách này được gửi đến các đội tuần tra kiểm soát giao thông quốc lộ 51, quốc lộ 1, quốc lộ 20, đội Dầu Giây… để yêu cầu nhận tiền.
Cụ thể, có cảnh sát giao thông được nhận tiền trực Tết âm lịch vừa qua, tiền trực lễ 2-9 và trực ca đêm. Có cảnh sát giao thông được yêu cầu ký nhận thêm các khoản cho con em mình dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 với số tiền 150.000 đồng/em và phần quà bánh trung thu 150.000 đồng.
Có người được cho truy nhận 3 tháng trực đêm, có đội được cho nhận 1 tháng trực đêm kèm theo các khoản truy lãnh trực lễ tết vừa qua…
"Hiện có người ký nhận nhưng tôi và một số người chưa nhận vì chỉ trả tiền trực đêm mới vài tháng là chưa đủ" - một cảnh sát giao thông cho biết.
Theo nhiều cảnh sát giao thông, đây là một động thái đối phó mới nhất của lãnh đạo phòng cảnh sát giao thông sau khi Bộ trưởng Bộ Công an có ý kiến chỉ đạo các dấu hiệu sai phạm mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh.
Nói về sự việc này, luật sư Hoàng Hữu Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: "Việc lãnh đạo gọi các cán bộ cảnh sát giao thông lên ký nhận các khoản tiền bồi dưỡng trực ca đêm, tiền trực lễ tết bị ém lại đã chứng minh việc các cảnh sát giao thông tố cáo là đúng sự thật".
Ngoài ra, theo luật sư Nhân, việc trả lại các khoản tiền đã chiếm đoạt cho các cảnh sát giao thông không đồng nghĩa với việc những người này cảm thấy sai sót mà tự nguyện khắc phục sai sót của mình mà cho thấy khi bị chính người trong lực lượng tố cáo mới có động tác "đối phó".
Động tác trả lại tiền cho cảnh sát giao thông chỉ có thể được xem là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình.
Cũng theo luật sư Nhân, việc "xén" các khoản tiền này của nhiều cán bộ, chiến sĩ trong thời gian dài như vậy không thể do một cá nhân làm mà phải có tổ chức.
"Bộ Công an cần thiết phải xử lý đến nơi đến chốn, hành vi nào đủ để xử lý hình sự phải xử lý hình sự" - luật sư Nhân nêu.
Nhóm PV (TTO)