Thời tiết thuận lợi
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh đã xuống giống được 77.080 ha cây trồng các loại, đạt gần 100% kế hoạch và đạt 101,2% so với vụ trước. Trong đó, lúa nước hơn 26.815 ha (đạt 103,1% kế hoạch), mì 10.777 ha (đạt 93,7%), đậu các loại 4.129 ha (đạt 91,8%), rau, dưa các loại 14.652 ha (đạt 101%), thuốc lá 3.839,6 ha (đạt 101%), mía trồng mới 7.824,4 ha (đạt 111,8%)… Các địa phương xuống giống đạt và vượt kế hoạch như: Chư Păh đạt 100%, Mang Yang 100,4%, Kông Chro 104,8%, Ia Pa 107,5%, Phú Thiện 108,1%, Ayun Pa 100%, An Khê 104,3%, Pleiku 106,2%.
Nhờ thời tiết thuận lợi, sau Tết Nguyên đán, một số địa phương có mưa, nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi được đảm bảo đã giúp cây trồng phát triển ổn định và dự kiến trong tháng 4 sẽ thu hoạch đại trà.
Hồ chứa nước Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh) cung cấp nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Chị Nay H’Oanh (buôn Ngôl, xã Uar, huyện Krông Pa) cho biết: Vụ này, gia đình chị gieo sạ 2 sào lúa nước tại cánh đồng buôn Ngôl. Nhờ xuống giống kịp thời vụ, thời tiết thuận lợi và chăm sóc đảm bảo nên lúa phát triển tốt. “Ngay từ đầu vụ, Chi nhánh thủy lợi Krông Pa đã đưa máy múc xuống để khơi thông các đoạn đầu nguồn công trình đập dâng Uar bị đất cát bồi lấp. Đồng thời, người dân trong buôn tham gia nạo vét kênh mương giúp lượng nước về cánh đồng nhiều, đảm bảo nước tưới cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Vụ này, bà con không phải lo thiếu nước tưới”-chị H’Oanh chia sẻ.
Còn ông Đinh Thể (thôn 3, xã Kông Pla, huyện Kbang) thì chia sẻ: “Tôi có 3 sào lúa xuống giống theo lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn. Do thời tiết năm nay thuận lợi, nguồn nước đưa về ruộng đủ nên cây lúa phát triển tốt. Gia đình vừa cấy dặm những chỗ lúa mọc không đều và chuẩn bị bón phân, phun thuốc để lúa đẻ nhánh, làm đòng”.
Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Để phòng tránh hạn cho cây trồng, ngay từ đầu vụ, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động gieo trồng sớm hơn 10-15 ngày. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng các loại giống ngắn ngày; thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ; chủ động khơi thông dòng chảy, đưa nước về các cánh đồng. Hiện tại, nguồn nước đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân và đã có một số cây trồng như thuốc lá, dưa hấu cho thu hoạch.
Còn tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông), để tránh hạn cuối vụ, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn 20-25 ngày. Hiện người dân đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân. Ông Bùi Văn Tiến-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho hay: Những năm gần đây, qua theo dõi diễn biến của thời tiết, UBND xã đã xây dựng kế hoạch và đẩy lịch thời vụ vụ Đông Xuân sớm hơn ở từng cánh đồng để việc sử dụng nước của các cánh đồng không trùng nhau, tránh gây lãng phí nguồn nước. Nhờ đó, 650 ha lúa vụ Đông Xuân phát triển tốt. Hiện người dân đã thu hoạch trên 90% diện tích lúa, năng suất đạt 5-7 tấn/ha.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dung (thôn 2, xã Chư Á, TP. Pleiku) chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu. Ảnh: Lê Nam |
Các cánh đồng Ia Kruc, Ia Krúe, Ia Nhách, Ia Do (xã Chư Á) và một số cánh đồng trên địa bàn xã An Phú (TP. Pleiku) vốn thường xuyên bị thiếu nước cuối vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn nước tuy có sụt giảm nhưng vẫn cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất. Ông Blit (làng Bông Bao, xã Chư Á) cho hay: “Nhà tôi có gần 2 sào lúa nước. Năm nay, tôi chủ động gieo trồng sớm để tránh hạn cuối vụ. Hiện lượng nước tại mương thủy lợi không dẫn được vào ruộng nên tôi phải bơm nước cho lúa 3 ngày/lần. Cây lúa đã bắt đầu làm đòng, khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch được”.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dung (thôn 2, xã Chư Á) đã chuyển đổi hơn 2 sào đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau. “Cánh đồng này thường xuyên thiếu nước vào cuối vụ nên gia đình chuyển đổi sang trồng rau. Đặc biệt, nhờ có giếng khoan nên mình chủ động được nước sản xuất, không lo bị hạn”-chị Dung cho biết.
Theo bà Tạ Thị Thảo-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Chư Á: Vụ Đông Xuân 2022-2023, địa phương đã đẩy lịch thời vụ sớm hơn 15-20 ngày để tránh hạn cuối vụ. Nguồn nước năm nay nhiều hơn so với các năm trước nên vẫn đảm bảo cho sản xuất. Hiện một số diện tích lúa đang bắt đầu làm đòng, trổ bông. Dự kiến khoảng giữa tháng 4, người dân bắt đầu thu hoạch.
Người dân huyện Kbang lấy nước tưới cho cây lúa. Ảnh: Lê Nam |
Theo ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2022-2023, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương căn cứ vào tình hình nguồn nước các hồ đập, sông suối và diễn biến thời tiết để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Khuyến khích các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng rau, đậu, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu để nâng cao hệ số và hiệu quả sử dụng đất. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, triển khai các biện pháp phòng-chống hạn; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, có sự liên kết; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đảm bảo nguồn nước cho cây trồng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia khu vực Tây Nguyên, tháng 3-2023 có khả năng xuất hiện mưa giông trái mùa cục bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 30-60% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Mùa mưa năm nay cũng có khả năng bắt đầu sớm hơn trung bình hàng năm và trong tháng 4, tháng 5, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-15% so với trung bình nhiều năm.
Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi (gồm 119 hồ chứa, 191 đập dâng, 42 trạm bơm) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha cây trồng (lúa 36.844 ha, rau màu và cây công nghiệp 30.567 ha). Năm nay, thời tiết các khu vực trong tỉnh diễn biến tương đối thuận lợi, các ngành, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh hạn cho cây trồng. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa: “Qua kiểm tra cho thấy, lượng nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo để phục vụ sản xuất”.
Ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh: Chi cục tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước các hồ chứa thủy lợi và đập dâng trên địa bàn; phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác phòng-chống thiên tai theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác phát huy hiệu quả công trình thủy lợi.
Còn theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Hiện Trạm Quản lý thủy nông, UBND cấp xã xây dựng lịch tưới và triển khai thực hiện các biện pháp điều tiết nước, chú trọng giảm thiểu tối đa thiệt hại cho cây trồng trong khu vực tưới của các công trình thủy lợi; tiếp tục thực hiện các biện pháp tưới luân phiên, nạo vét kênh mương nhằm sử dụng nước có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương chuẩn bị thiết bị, nhiên liệu cần thiết để bơm chống hạn khi cần; theo dõi tình hình cấp nước phục vụ sản xuất tại các công trình thủy lợi và kết quả xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn huyện.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý 14 hồ chứa lớn, 26 đập dâng và 4 trạm bơm với năng lực tưới cho hơn 30.983 ha cây trồng (18.954 ha cây trồng vụ Đông Xuân và 12.029 ha cây trồng vụ mùa). Ông Nguyễn Văn Lương-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Hiện các công trình do đơn vị quản lý và khai thác vẫn bảo đảm cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023, cây công nghiệp dài ngày và dân sinh. Qua kiểm tra tại một số khu vực cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, dự kiến khoảng giữa tháng 4 sẽ thu hoạch đại trà. Còn đối với cây công nghiệp dài ngày, người dân cũng đã tưới được 2-3 đợt.
Người dân xã Uar (huyện Krông Pa) nạo vét kênh mương đưa nước về sản xuất. Ảnh: Lê Nam |
Tuy nhiên, theo ông Lương, tại một số đập dâng (không nằm trong hệ thống hồ chứa) ở khu vực phía Tây Trường Sơn như hệ thống đập dâng An Phú-Chư Á (TP. Pleiku), đập dâng Ia Pết, Phạm Keo (huyện Chư Sê), mực nước có suy giảm và nguy cơ hạn cuối vụ.
“Để phòng-chống hạn, Công ty đã tập trung huy động nguồn lực triển khai khơi thông dòng chảy, điều tiết nước tưới hợp lý, luân phiên trên hệ thống công trình. Sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hỏng, gây thất thoát nước. Phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn các hành vi không chấp hành lấy nước theo lịch dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến việc vận hành, điều tiết tưới của công trình; tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm. Đối với những khu vực có nguy cơ thiếu nước cuối vụ thì ưu tiên điều tiết tưới cho cây lúa và cây bắp hoặc sử dụng biện pháp tưới luân phiên, giữ ẩm chờ mưa. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước giếng đào, sông suối trong khu vực để tưới cho cây trồng”-ông Lương thông tin thêm.