Kinh tế

Nông nghiệp

Vụ mì thất bát ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do mưa bão kéo dài gây thối củ và hàng ngàn héc ta mì bị bệnh khảm lá vi rút khiến năng suất mì ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) giảm mạnh. Nông dân huyện nghèo này đang đối diện một vụ mì thất bát.
 


Hàng ngàn héc ta mì bị bệnh, thối củ
 

Vườn mì nhà ông Bùi Văn Bắc (thôn 3, xã Chư Gu, huyện Krông Pa) bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam
Vườn mì của gia đình ông Bùi Văn Bắc (thôn 3, xã Chư Gu, huyện Krông Pa) bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam


Năm 2020, toàn huyện trồng được 22.205 ha mì (vụ Đông Xuân 1.455 ha, vụ mùa 20.750 ha). Đến nay, mì vụ mùa đang ở giai đoạn chăm sóc và hình thành củ. Tuy nhiên đã có hơn 11.350 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút. Trong đó, 231,9 ha bị nhiễm dưới 30%, 2.830,8 ha bị nhiễm 30-50%, 5.410,8 ha bị nhiễm 50-70% và 2.877,4 ha bị nhiễm trên 70%.

Cơ quan chuyên môn xác định: bệnh khảm lá vi rút bị nhiễm nặng trên các giống HL-S11, KM419; nhiễm ở mức độ trung bình trên giống KM98-5, KM140; riêng giống KM94 không bị nhiễm. Ngoài ra, bão số 9 đã làm cho 1.253 ha mì bị thiệt hại và nhiều diện tích mì bị thối củ, giảm năng suất.

Xã Chư Gu có 706 ha mì của 602 hộ dân bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút với mức độ 50-70%. Ông Bùi Văn Bắc (thôn 3) cho biết: Do năm nay mưa nhiều và bệnh khảm lá vi rút làm cho củ nhỏ, thối củ nên năng suất giảm mạnh.

“Riêng 3 ha mì của gia đình tôi chỉ đạt năng suất khoảng 10 tấn củ tươi/ha, giảm hơn 50% so với năm ngoái. Bình thường cây mì phải trồng 1 năm mới thu hoạch, nhưng vụ này do mưa nhiều và bệnh khảm lá nên mới được hơn 6 tháng đã phải thu hoạch. Mỗi ha mì phải đầu tư hơn 10 triệu đồng gồm: giống, phân bón, cày đất, phun thuốc cỏ và công thu hoạch. Như vậy với giá tại ruộng là 1.400 đồng/kg mì tươi thì gần như không có lãi. Ngoài ra, bà con không biết lấy hom giống ở đâu để trồng cho vụ tới”-ông Bắc nói.

Tương tự, ông Ksor Grik (buôn Đông Thuớ) cho hay: “Nhà tôi trồng hơn 1 ha mì. Do mì bị bệnh khảm lá nên củ rất nhỏ và ít. Vụ này coi như lỗ”.

Tại thị trấn Phú Túc cũng có hơn 1.522 ha mì của 751 hộ dân bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút với mức độ 30-50%. Ông Đoàn Văn Điểu (tổ 10) có 4 ha mì nhưng bị bệnh khảm lá vi rút hơn 50%. Ông cho hay: “Những năm trước, mỗi héc ta có thể thu hoạch được khoảng 30 tấn mì tươi. Năm nay do bị bệnh khảm lá và mưa nhiều nên chắc chỉ được khoảng 10 tấn mì tươi/ha. Với giá thu mua chỉ khoảng 1.200-1.400 đồng/kg thì chỉ đủ chi phí đầu tư giống, phân, công thu hoạch”.

Khó khăn trong phòng-chống sâu bệnh

Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Nguyên nhân khiến cây mì bị bệnh khảm lá vi rút là do bà con nông dân mua giống trôi nổi trên thị trường nên bệnh phát sinh và lây lan. Đáng chú ý, nhiều hộ vẫn sử dụng hom giống từ diện tích mì đã bị nhiễm bệnh, không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đặc biệt, nhiều hộ bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn khi tiếp tục sử dụng giống mì HL-S11. Ngoài ra, các nhà máy chế biến tinh bột mì sau khi nhập các giống mì về địa bàn chưa nghiêm túc khai báo, thực hiện công tác kiểm dịch thực vật theo quy định để kiểm soát nguồn lây bệnh.
 

Nông dân Krông Pa thu hoạch mì. Ảnh: Lê Nam
Nông dân Krông Pa thu hoạch mì. Ảnh: Lê Nam


Cũng theo ông Duyên, hiện nay, bệnh khảm lá vi rút hại mì có xu hướng lây lan trên diện rộng và chưa có thuốc đặc trị. Trước tình hình đó, cuối năm 2019, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp phát 7.500 tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá vi rút. Trên những diện tích mì bị bệnh khảm lá nhẹ, người dân cần phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bọ phấn trắng bằng các hoạt chất Angun 5WDG, Vitory585 EC hoặc bẻ ngọn những cây bị bệnh kết hợp với chăm sóc, bón phân để tăng sức đề kháng cho cây. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút nặng thì phải luân canh sang cây trồng khác.

“Để ngăn chặn sự lây lan bệnh khảm lá vi rút, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn quy trình canh tác và quy trình sản xuất giống mì sạch bệnh. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ nguồn hom giống đưa vào sản xuất. Tuyệt đối không được lấy hom giống bị nhiễm bệnh để trồng. Khuyến cáo người dân sử dụng giống mì KM94. Trước mắt, Phòng đề xuất hỗ trợ giống mì KM94 cho người dân trồng khoảng 900 ha để lấy nguồn giống và tiếp tục nhân rộng giống này cho những năm sau”-ông Duyên cho biết thêm.

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm