Kinh tế

Nông nghiệp

Vụ mùa 2021: Ưu tiên giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để sản xuất vụ mùa 2021 đạt kế hoạch đề ra và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp Gia Lai cùng chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân xuống giống tập trung và sử dụng giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt.



Khó khăn ngay từ đầu vụ

Vụ mùa 2021, huyện Krông Pa dự kiến sẽ xuống giống gần 37.000 ha cây trồng các loại, trong đó có 22.000 ha mì, 3.700 ha lúa, 1.196 ha đậu đỗ, 1.200 ha rau, 1.700 ha dưa lấy hạt, 1.700 ha mè và một số cây trồng khác. Do mùa mưa đến muộn nên hiện nay người dân mới xuống giống được hơn 14.674 ha, đạt gần 40% kế hoạch. Ông Rơ Ô Blim (buôn Blang, xã Chư Ngọc) cho biết: “Mọi năm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 là có mưa giông, đất đủ ẩm để trồng mì, mè và đậu đỗ. Năm nay mưa muộn nên đến cuối tháng 5 tôi mới xuống giống được 1,4 ha mì. Việc xuống giống muộn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Vì đến cuối năm thu hoạch thì cây mì mới khoảng 6-7 tháng, củ nhỏ, hàm lượng tinh bột thấp”.

Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa: Năm nay, mưa muộn hơn năm 2020 gần 1 tháng. Bình thường, đến thời điểm này, người dân đã xuống giống xong. Tuy nhiên, năm nay, bà con nông dân mới gieo trồng được khoảng 40% kế hoạch. Việc mưa muộn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa) chuẩn bị đất sản xuất vụ mùa 2021. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa) chuẩn bị đất sản xuất vụ mùa 2021. Ảnh: Nguyễn Diệp


Tương tự, ông Võ Ngọc Mạnh (tổ dân phố Ktỏh, thị trấn Kông Chro) cho biết: Vụ này, nhà ông trồng 1 ha bí đỏ, 1 ha ớt và 3 ha bắp. Đối với diện tích ớt và bí đỏ thì chủ động được nguồn nước tưới, còn cây bắp thì phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Mưa muộn đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng sau này. Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, đầu tháng 6, người dân mới bắt đầu xuống giống. Tuy nhiên, đã có một số hộ dân xuống giống đậu xanh từ tháng 3 và tháng 4 khi có cơn mưa giông đầu mùa. Người dân không theo khuyến cáo mà gieo trồng theo kinh nghiệm, nếu không bị hạn thì khi thu hoạch sẽ bán được giá và ít bị sâu bệnh. Ngược lại, nếu mưa muộn thì chấp nhận mất trắng.

Tập trung sản xuất hiệu quả

Để sản xuất hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, Sở Nông nghiệp và PTNT định hướng lịch thời vụ cho các địa phương đẩy mạnh xuống giống lúa đại trà, tập trung đối với vùng chủ động nước từ ngày 15-6 đến 20-6 và kết thúc trước ngày 30-6. Đối với vùng không chủ động nước thì để đất đủ độ ẩm mới xuống giống và sẽ kết thúc trong tháng 7.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa chủ lực HT1, LH12, ML48, OM4900, Đài Thơm 8, JO2, ĐV108, Nhị Ưu 838, D9T100, HN6, OM6976; giống bắp Bioseed 9698, CP888, LVN 10 và giống bắp nếp HN88, MX10 có khả năng kháng sâu keo mùa thu; giống mì KM98-5, KM94 có khả năng chống chịu sâu bệnh, nhất là bệnh khảm lá vi rút, bệnh chổi rồng; chọn các giống mía chín sớm K84-200, Suphanburi7 và các giống mía chín trung bình KK3, KK6, K88-65, K88-92; giống cà phê lai đa dòng TRS1, TR4, TR9 và đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP, Organic... ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước.

 Nông dân huyện Đức Cơ chuẩn bị đất để gieo trồng đậu phộng. Ảnh: Đức Thụy
Nông dân huyện Đức Cơ chuẩn bị đất để gieo trồng đậu phộng. Ảnh: Đức Thụy


Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 63.454 ha cây trồng các loại, đạt 29% so với kế hoạch; trong đó có 6.676 ha lúa nước, 1.698 ha lúa rẫy, 8.266 ha bắp, 5.835 ha rau, 5.073 ha đậu, 30.901 ha mì, 1.852 ha mè và một số cây trồng khác.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và những diện tích đất trồng mía, mì, điều, hồ tiêu, cao su kém hiệu quả sang trồng rau, củ, quả, cây dược liệu và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh phát triển lúa, rau các loại, bắp, cây ăn quả... cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên, Tập đoàn Lộc Trời… Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-chia sẻ: Để giúp người dân thay dần các giống lúa đã bị thoái hóa, UBND huyện đã bố trí 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống trên địa bàn 4 xã (Ia Pết, Hà Bầu, Glar và Hnol) quy mô 920 ha với 2.390 hộ tham gia. Các giống lúa đưa vào sản xuất gồm: JO2, HN6, ĐT100. Đây là những giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng gạo ngon hơn và có khả năng chống ngã đổ, sâu bệnh, góp phần tiến tới xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao.

Tương tự, ông Đinh Xuân Duyên cho hay: Để hạn chế bệnh khảm lá vi rút hại mì, huyện Krông Pa đã xuất kinh phí mua 88.000 bó hom mì KM94 (tương đương trồng được khoảng 900 ha) để cấp cho người dân. Đối với cây lúa nước, huyện hỗ trợ 76 tấn giống lúa HT1 cấp cho người dân sản xuất. Còn ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì cho hay: Vụ mùa 2021, huyện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình trồng bắp sinh khối với diện tích 30 ha. Sau đó sẽ nhân rộng mô hình này trong vụ Đông Xuân 2021-2022 để chuyển đổi những diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngay từ đầu vụ, Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tập trung rà soát những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc ngập úng vào cuối vụ để hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng hoặc sử dụng giống ngắn ngày. Đồng thời, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu có hiệu quả cao hơn và phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm diện tích cao su, mía, mì tại những vùng đất không phù hợp, năng suất thấp, bị sâu bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hình thành vùng sản xuất xuất khẩu.

 

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm