Vụ nổ kinh hoàng ở Bắc Ninh khiến chúng ta không thể nói mãi câu chuyện trách nhiệm một cách chung chung, mà cần phải rạch ròi...
Những đầu đạn được tìm thấy tại hiện trường vụ nổ ở Bắc Ninh |
Sau vụ nổ khiến 10 người thương vong xảy ra ở Bắc Ninh, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam chủ cơ sở thu mua phế liệu đã được Công an tỉnh Bắc Ninh thực hiện. Đó và việc phải làm. Nhưng sự việc cần được giải quyết tận gốc để hạn chế những sự cố đáng tiếc như thời gian qua.
Giữa ngồn ngộn thông tin của nhịp sống hối hả cuối năm, nhưng vụ nổ kinh hoàng ở làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh sau 3 ngày vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận.
Sau vụ tai nạn thương tâm ấy là hàng loạt câu hỏi: 7 tấn đầu đạn đi về làng Quan Độ bằng cách nào? Gốc gác nó từ đâu ra? Vì sao chính quyền sở tại không biết? Rút cục trách nhiệm thuộc về ai?... Phải rạch ròi câu chuyện trách nhiệm, bởi có ai dám chắc đây là sự việc đau lòng sau cùng khi mà vẫn còn đó dư âm của những vụ việc tương tự.
Vẫn biết, một đất nước đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, lượng bom mìn còn sót lại được tính toán vào khoảng 800.000 tấn, và khi mà cái đói, cái nghèo vẫn chưa thể dứt, thì ở đâu đó trên con đường mưu sinh, tai nạn do bom, mìn là khó tránh khỏi. Nhưng sự việc đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra ở Quan Độ lại khác. Đó không phải là sự vô tình vấp phải, cũng không phải vì thiếu hiểu biết theo kiểu “điếc không sợ súng” mà đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng chức năng thu gom đầu đạn tại hiện trường vụ nổ ở Bắc Ninh |
Nếu như lời khai của chủ cơ sở phế liệu với cơ quan điều tra là đúng, rằng ông ta đã mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ của một người làm ở Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn quốc gia để tháo dỡ phế liệu thì thật đáng lo ngại.
Là chủ cơ sở thu mua phế liệu, ông ta buộc phải biết việc mua bán vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ là hành vi bị nghiêm cấm theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Nếu đúng là 7 tấn đầu đạn cũ lại được tuồn ra từ một đơn vị mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo, triển khai tổ chức quản lý các hoạt động rà, phá bom, mìn, vật nổ thì ai chịu trách nhiệm?
Một cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu phải đáp ứng nhiều điều kiện như được cấp phép hoạt động, cam kết bảo vệ môi trường, có đủ kho bãi đạt chuẩn, có xác nhận về phòng cháy chữa cháy... Nếu những điều kiện này không đáp ứng đủ thì trách nhiệm thuộc về ai?
Chúng ta không thể nói mãi câu chuyện trách nhiệm một cách chung chung. Cần phải rạch ròi để giải quyết vấn đề tận gốc. Xử lý hình sự khi vụ việc đã xảy ra mới chỉ là giải quyết phần ngọn.
Ngọc Chi/VOV
Ảnh: Nhật Ngân