Kinh tế

Nông nghiệp

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh quan tâm hỗ trợ các làng vùng đệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ làm tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng và các nhóm hộ đồng bào Bahnar, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn triển khai chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng với việc hỗ trợ 40 triệu đồng/năm đối với các thôn, làng vùng đệm, giúp người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, xây dựng các công trình dân sinh phục vụ cộng đồng.
Nhờ chính sách hỗ trợ các thôn, làng vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh mà làng Hyêr (xã Ayun, huyện Mang Yang) đã có kinh phí lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để chiếu sáng vào ban đêm. Ảnh: M.P

Nhờ chính sách hỗ trợ các thôn, làng vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh mà làng Hyêr (xã Ayun, huyện Mang Yang) đã có kinh phí lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để chiếu sáng vào ban đêm. Ảnh: M.P

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích quản lý gần 42 ngàn ha, trong đó vùng đệm rộng hơn 15 ngàn ha với 18 thôn, làng nằm rải rác trên địa bàn 7 xã thuộc các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Kbang. Từ năm 2013 đến nay, Vườn đã triển khai thực hiện các hạng mục hỗ trợ các thôn, làng vùng đệm với tổng kinh phí 720 triệu đồng/năm (40 triệu đồng/thôn, làng).

Ông Nhưng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hyêr (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho biết: Nhờ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hỗ trợ 40 triệu đồng/năm, chúng tôi mới có điều kiện sửa chữa hội trường. Những năm gần đây, dân làng thống nhất dùng khoản tiền hỗ trợ này mua bàn ghế để phục vụ các buổi sinh hoạt cộng đồng; trang bị hệ thống loa, dàn âm thanh để thông báo cho người dân những nội dung tuyên truyền cần thiết. Đặc biệt, cũng từ nguồn kinh phí này, làng được hỗ trợ lắp 26 bóng điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời ở các ngã ba, ngã tư.

Cũng theo Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hyêr, riêng năm 2023, làng thống nhất sử dụng khoản hỗ trợ này để bê tông hóa một phần sân của nhà sinh hoạt cộng đồng. “Hiện nay, làng không còn bộ cồng chiêng nào phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, bà con rất mong có được 1 bộ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân trong làng đã đồng tình đóng góp được 10 triệu đồng cộng với khoản hỗ trợ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trong năm tới thì sẽ được 50 triệu đồng. Nếu còn thiếu thì bà con đóng góp thêm”-ông Nhưng nói.

Còn ông Khih-Trưởng thôn Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) thì khẳng định: Nhờ nguồn tiền hỗ trợ này cùng với việc tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, người dân đã dần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng lấy đất làm rẫy hầu như không còn. Nhiều năm nay, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã hỗ trợ phân bón, cây-con giống, thuốc trừ sâu để phục vụ sản xuất; có năm dùng mua vật liệu làm giếng nước, xây dựng các công trình nước sạch, điện chiếu sáng hoặc tu sửa nhà văn hóa cộng đồng. Mặt khác, dân làng cũng thống nhất dùng kinh phí hỗ trợ mua 1 chiếc máy cày để phục vụ sản xuất chung của người dân.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ thôn, làng vùng đệm, làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) sẽ đầu tư xây dựng cổng chào văn hóa cho cộng đồng làng. Ảnh: Minh Phương

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ thôn, làng vùng đệm, làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) sẽ đầu tư xây dựng cổng chào văn hóa cho cộng đồng làng. Ảnh: Minh Phương

Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Văn Tịnh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) cho hay: Trước đây, khoản kinh phí này thường hỗ trợ bà con mua phân bón, cây-con giống phục vụ sản xuất nhưng hiệu quả không cao. Gần đây, các thôn, làng hướng đến việc sử dụng kinh phí này phục vụ nhu cầu chung của cộng đồng.

Cũng theo ông Tịnh: “Từ nhu cầu thực tế của người dân, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức họp để thống nhất những hạng mục hỗ trợ các thôn, làng vùng đệm. Trên cơ sở lấy ý kiến của người dân, đơn vị đã kịp thời cung cấp, hỗ trợ vật tư, trang-thiết bị cho 18 thôn, làng vùng đệm, đồng thời nhanh chóng chuyển giao các hạng mục hỗ trợ khác sau khi đã tiến hành mua sắm”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Vinh-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho biết: Dựa vào nhu cầu của các thôn, làng, đơn vị sử dụng nguồn kinh phí này chi hỗ trợ mua cây-con giống, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất hay vật tư xây dựng các công trình công cộng. Việc hỗ trợ này chỉ được thực hiện sau khi họp dân lấy ý kiến và định hướng của chính quyền các xã; đồng thời, khi xây dựng kế hoạch hỗ trợ, Vườn cũng chủ động rà soát để tránh chồng lấn các chương trình mục tiêu khác của địa phương.

“Cùng với chính sách hỗ trợ các thôn, làng vùng đệm, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với các cộng đồng thuộc 18 thôn, làng khu vực vùng đệm. Năm 2013, diện tích hợp đồng giao khoán khoảng 8.000 ha, đơn giá 200.000 đồng/ha/năm thì đến thời điểm hiện tại đã nâng lên gần 19.000 ha với đơn giá là 600.000 đồng/ha/năm. Việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp các hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống, sinh kế của người dân sống gần rừng”-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm